Sốp Cộp đưa chính sách dân tộc vào cuộc sống

Là huyện biên giới có hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

Tuyến đường giao thông liên xã Púng Bánh - Mường Lèo được đầu tư nâng cấp.

Các chương trình, chính sách dân tộc được thực hiện dân chủ, công khai, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cũng làm”, gắn quyền lợi, trách nhiệm với việc đầu tư, quản lý, khai thác.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Hằng năm, huyện phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ dựa trên định hướng phát triển kinh tế của từng xã và nhu cầu của nhân dân. Hướng dẫn các xã rà soát danh mục phát triển sản xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế, nhằm đa dạng hóa sinh kế cho nhân dân. Đồng thời, lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ điều kiện, trách nhiệm đảm bảo hiệu quả dự án, khắc phục việc chậm tiến độ trong triển khai thực hiện.

Triển khai dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. 

Từ năm 2022 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phân bổ trên 18,5 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ đầu tư và xây dựng, sửa chữa 15 công trình đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa; bố trí hơn 20 tỷ đồng triển khai dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Đồng thời, cấp phát téc đựng nước cho 95 hộ nghèo dân tộc thiểu số của các xã Mường Lèo, Sam Kha, Púng Bánh.

Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình này, huyện đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức 16 hội nghị tập huấn truyền thông, vận động trong đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cho trên 3.500 lượt người; tổ chức 16 lớp phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 505 học sinh tại các trường học thuộc các xã vùng biên. Ngoài ra, còn chuyển phát 19 loại báo, tạp chí, với hơn 33.000 tờ (không thu tiền) đến các đối tượng được thụ hưởng đúng quy định, cung cấp kịp thời thông tin thời sự, khoa học, kỹ thuật, đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Huyện Sốp Cộp tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Mường Lèo.

Triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong xã. Đến nay, 100% số bản của xã đã có điện lưới quốc gia, 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 6/11 bản có đường kiên cố ô tô đi được 4 mùa đến trung tâm bản; 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Cấp phát téc đựng nước cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số xã Púng Bánh.

Tháng 7 vừa qua, gia đình anh Sồng A Chống, bản Pá Khoang, xã Mường Lèo được hỗ trợ téc đựng nước. Anh Chống chia sẻ: Nhờ có chính sách ưu tiên, hỗ trợ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới, gia đình tôi được hỗ trợ 1 téc đựng nước 1.500 lít. Từ bây giờ, gia đình không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt thường xuyên như trước nữa.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Sốp Cộp có đường ô tô đến trung tâm xã; 75% số bản có đường liên bản; 100% số bản có điện lưới quốc gia; 97% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41% năm 2020 còn 34% năm 2022. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và y tế từng bước được đầu tư xây dựng... giúp nhân dân có thêm cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội; ổn định sản xuất và đời sống, đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới