Yên Châu mở rộng diện tích cây ăn quả chất lượng cao

Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Yên Châu đã tập trung mở rộng diện tích hình thành vùng chuyên canh, gắn với áp dụng sản xuất an toàn, từng bước tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Thành viên HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu) kiểm tra sâu bệnh trên hoa xoài.

Với 3 ha vườn đồi, gia đình ông Nguyễn Văn Doanh, bản Cồn Hốt 1, xã Phiêng Khoài trồng 1.200 cây mận hậu. Ông Doanh cho biết: 3 năm trở lại đây, gia đình thu nhập trên 500 triệu đồng/năm từ vườn mận. Đây là nguồn thu chính, vì vậy gia đình đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn mận, nâng cao năng suất, chất lượng quả, giá bán vì thế cũng cao hơn.

Không riêng gia đình ông Nguyễn Văn Doanh, nhiều gia đình ở xã Phiêng Khoài đã giàu lên từ trồng mận, như hộ các ông: Vũ Văn Dũng, bản Thanh Yên II; Bùi Văn Tư, bản Kim Chung I; Hoàng Văn Việt, bản Ái I; Bùi Văn Trường, bản Tam Thanh... thu nhập từ 300 đến 700 triệu đồng/năm. Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Toàn xã có hơn 1.200 ha mận hậu, chiếm 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sản lượng 17.000 tấn quả/năm. Xã đã phối hợp các đơn vị chức năng hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc mận theo quy trình VietGAP; tăng cường giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Còn tại xã Chiềng Hặc hiện có gần 700 ha cây ăn quả; trong đó hơn 350 ha xoài, 160 ha nhãn và một số cây ăn quả khác; sản lượng các loại quả hơn 2.000 tấn/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49,8% năm 2016, xuống còn 36% năm 2020.

Hiện trên địa bàn huyện Yên Châu có hơn 10.100 ha cây ăn quả (tăng 17,5% so với năm 2019). Trong đó có 567 ha được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đã có 78 ha nhãn, 22 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và 357 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết với các đơn vị xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm sử dụng camera kết nối mạng Internet để theo dõi trực tiếp quy trình sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 53 HTX nông nghiệp, với gần 900 thành viên; một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất và chế biến, như: HTX Phương Nam (xã Lóng Phiêng); HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc; HTX nông nghiệp Hoa Mơ (xã Yên Sơn); HTX Hương Xoài (xã Tú Nang)... Đặc biệt, huyện đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết các chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ... Năm 2020, toàn huyện xuất khẩu 3.331 tấn xoài, 640 tấn nhãn, 50 tấn chanh leo, 240 tấn chuối; tổng giá trị xuất khẩu đạt 5,1 triệu USD.

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Hiện nay, huyện đang chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho người dân.

Với hướng đi này, huyện Yên Châu sẽ có thêm nhiều sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới