Yên Châu đón mùa nhãn chín muộn

Không giống như các vựa nhãn ở những địa phương khác đang vào vụ chín, còn ở Yên Châu, những vườn nhãn chín muộn đang trong thời kỳ ra quả. Hiện tại nhiều vùng trồng nhãn chín muộn của huyện, các chủ vườn đang tập trung cho việc chăm sóc và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đón một mùa vụ nhãn chín đạt năng suất, chất lượng cao.

                                 

Vườn nhãn chín muộn trồng theo hướng hữu cơ ở bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng.

           

Yên Châu là huyện có diện tích nhãn đứng thứ 3 toàn tỉnh với trên 2.760 ha, trong đó có gần 1.500 ha là giống nhãn chín muộn, sản lượng ước đạt khoảng 5.550 tấn/năm. Nhãn chín muộn được trồng trên địa bàn huyện chủ yếu là các giống chín muộn Hưng Yên (Miền Thiết) và giống chín muộn T6 (Đại Thành, Hà Nội). Trong đó, giống nhãn Miền Thiết được đánh giá chất lượng và giá bán cao vượt trội hơn hẳn, được trồng nhiều tại các xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Chiềng Hặc, Phiêng Khoài.

           

Đến thăm vườn nhãn chín muộn của gia đình anh Nguyễn Văn Hừa tại bản Hua Đán, xã Tú Nang đang trong thời kỳ ra quả, anh Hừa cho biết: Gia đình có trên 10 ha nhãn trồng từ những năm 1980, năng suất thấp, chất lượng không cao. Từ năm 2009, gia đình đã chuyển sang ghép mắt cải tạo vườn nhãn bằng giống nhãn muộn Miền Thiết từ Hưng Yên cho thu nhập cao hơn, trung bình 1 ha nhãn ghép cho sản lượng từ 15-17 tấn/năm. Năm 2021, gia đình tôi thu hoạch trên 80 tấn quả, trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng nhãn năm nay của gia đình ước khoảng 60 tấn quả.

           

Anh Nguyễn Văn Hừa chia sẻ thêm: Thời gian chăm nhãn ra quả là thời điểm quan trọng nhất. Tùy theo khả năng mang quả của mỗi cây để xác định lượng quả để lại trên cây hợp lý. Cần tỉa thưa các chùm quả dày, cắt bỏ các quả còi cọc, sâu bệnh. Bí quyết để sai quả, đạt chất lượng cao, tôi thường xuyên sử dụng phân bón hữu cơ từ đỗ tương ngâm và chất thải động vật ủ hoai mục bón cho nhãn; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn. 

           

Người dân xã Tú Nang tỉa nhãn chín muộn.  

Còn tại Lóng Phiêng, có gần 200 ha nhãn chín muộn, sản lượng 4.100 tấn/năm hiện đang là xã có diện tích nhãn chín muộn lớn nhất của Yên Châu. Ngoài sản xuất hộ gia đình, trên địa bàn xã đã thành lập các HTX liên kết các hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhãn. Anh Trần Văn Hồng, Giám đốc HTX Tiến Đạt, bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, thông tin: HTX có 8 thành viên, trồng 24 ha nhãn chín muộn theo tiêu chuẩn VietGAP. 5 năm trở lại đây, các thành viên HTX đã lựa chọn và thống nhất thâm canh mô hình nhãn chín muộn, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại không bị tư thương ép giá; trung bình mỗi thành viên thu nhập từ 300-500 triệu đồng/vụ.

Với ưu điểm thời gian chín sau các loại nhãn khác từ 30-40 ngày (từ tháng 8 đến cuối tháng 9); thời gian quả chín lưu được trên cây lâu hơn, mà chất lượng không hề bị giảm nên người nông dân có thể chủ động trong thu hái. Vì thế mà nhãn ở đây luôn giữ được giá bán cao hơn nhãn chính vụ khoảng 10-15%. Hiện đang bắt đầu vào mùa mưa, thuận lợi cho cây nhãn chín muộn phát triển nuôi dưỡng quả. Các hộ gia đình, HTX trồng nhãn đang tập trung áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, vừa giữ được cây bền, khỏe, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. Thời điểm này, quả nhãn chín muộn đã phát triển đạt khoảng 50% kích thước so với khi thu hoạch. Dự kiến còn một tháng rưỡi nữa sẽ cho thu hoạch. 

           

Ông Lại Hữu Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nhận xét: Việc chuyển một phần diện tích sang trồng các giống nhãn chín muộn nhằm rải vụ đã mang lại thu nhập cao hơn cho các hộ dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực bám sát các nhà vườn để hướng dẫn các hộ dân, HTX đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín muộn trên giống nhãn cũ; tăng cường quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thưc vật đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nhãn chín muộn và nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn đáp ứng yêu cầu rải vụ nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

           

Với sự chủ động, tích cực của các hộ dân, HTX và sự hỗ trợ chính quyền địa phương, vụ nhãn chín muộn năm nay ở huyện Yên Châu kỳ vọng sẽ cho năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới