Xuân Nha nỗ lực giảm nghèo

Là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Vân Hồ, xã Xuân Nha có 8 bản, hơn 1.000 hộ, gồm 5 dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông, Kinh cùng chung sống. Kinh tế của xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 11 triệu đồng, hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 68%.

Nhân dân bản Thín, xã Xuân Nha (Mộc Châu) chăm sóc vườn táo đại.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nhanh số hộ nghèo, những năm qua, cùng với triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tổ chức cho người dân tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, trồng cây ăn quả. Xã còn tích cực, vận động tuyên truyền nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, đồng thời, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, hiện toàn xã có hơn 3.400 con trâu, bò đang phát triển và sinh trưởng tốt.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2018, Chương trình 135 hỗ trợ trồng hơn 14 ha cây xoài Đài Loan cho các hộ nghèo tại các bản Chiềng Hin, Pù Lầu, bản Thín; Chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ trồng 5 ha bơ và 2 tấn phân bón cho các hộ nghèo tại bản Pù Lầu, Nà Hiềng. Đồng thời, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông đến tận các vườn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh cho nhân dân. Hiện, toàn xã có trên 230 ha cây ăn quả, gồm: nhãn ghép, xoài Đài Loan, táo, bơ, bưởi da xanh, mít...; bước đầu xuất hiện một số mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, như mô hình chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ áp dụng hệ thống tưới ẩm ở bản Nà An; mô hình phát triển trồng cây ăn quả của HTX nông nghiệp Hải Dương ở bản Thín; mô hình trồng và khai thác măng tre bản địa tại bản Mường An...

Anh Mùi Văn Xuân, ở bản Thín là thành viên của HTX nông nghiệp Hải Dương, sau khi được học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, anh đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 8 ha đất ruộng của gia đình sang trồng táo đại, nhãn ghép, xoài Đài Loan, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, năm 2018, gia đình anh thu hơn 10 tấn táo, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 250 triệu đồng. Anh Xuân cho biết: Cây táo đại rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, cho năng suất cao, được giá, đầu ra ổn định, vụ năm nay dự kiến sẽ thu hơn 30 tấn quả.

Một góc trung tâm xã Xuân Nha (Vân Hồ) hôm nay.

Cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã còn tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, giữ gìn những nghề truyền thống, sản phẩm trở thành hàng hóa, như nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái; nghề đan lát của dân tộc Dao, Mường... Ngoài ra, còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ khu vực trung tâm xã phát triển kinh doanh dịch vụ, từng bước hình thành các đầu mối cung cấp, tiêu thụ hàng hóa ổn định. Đặc biệt, nhằm từng bước giảm diện tích các cây lương thực năng suất thấp, mở rộng diện tích cây ăn quả trên đất dốc; vận động các hộ liên kết thành lập HTX để giúp nhân dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cũng như liên kết bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với mục tiêu giảm nhanh số hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Nha đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, phấn đấu hết năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống dưới 60%.

A Trứ
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới