Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận về pháp luật

Ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, quyền được tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; hỗ trợ, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.

 

Cán bộ tư pháp xã Tông Lạnh (Thuận Châu) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một tiêu chí bổ sung để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”. Để thực hiện tiêu chí này trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đề ra nhiệm vụ “đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân”.

Có thể nhận thấy mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số điểm, đó là: Nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã. Tổ chức và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật; tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật. Qua việc tổ chức đánh giá, công nhận và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nắm bắt thực trạng, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong quản lý, tổ chức thực hiện các tiêu chí và chỉ tiêu tiếp cận pháp luật. Kết quả chấm điểm, đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật chính là kết quả việc thực hiện nhiệm vụ của cấp xã trên các lĩnh vực: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ. Cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.  Góp phần thúc đẩy, thực hiện toàn diện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh.

Hiện, bình quân đạt chuẩn nông thôn mới của các xã trong tỉnh đang đạt 9,3 tiêu chí/xã. Phấn đấu hết năm 2018 có 8 xã và đến hết năm 2020 là 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc bổ sung “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ này nói riêng và pháp luật nói chung trong xây dựng nông thôn mới; giữ vững mục tiêu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn, đồng thời có biện pháp hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội; giải quyết có hiệu quả, kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn dân cư.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này tại địa phương, phòng Tư pháp các huyện, thành phố, công chức tư pháp - hộ tịch cần tích cực, chủ động nghiên cứu sâu hơn các tài liệu về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương đảm bảo thực chất, hiệu quả. Phấn đấu nâng cao chất lượng và số lượng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới