Xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều đợt khảo sát, hội thảo khoa học đánh giá tiềm năng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển, thương hiệu tạo, dựng chỗ đứng vững chắc của sản phẩm trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp bứt phá đi lên.

Người dân xã Mường Khiêng (Thuận Châu) lựa chọn xoài xuất khẩu.

 

Đến nay, toàn tỉnh có 21 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ; trong đó, chè Shan tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại thị trường Thái Lan và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường Châu Âu; đã cấp 181 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 4.700 ha; có 196 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 83 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ đã phát huy được giá trị, mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu các sản phẩm, như: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La (Công ty cổ phần thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao); Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả xuất khẩu (Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc); Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao (Công ty IC Food Sơn La); Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao (Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm công nghệ cao - Tập đoàn TH); Nhà máy chế biến cà phê Sơn La (Công ty cổ phần Phúc Sinh).

Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng, các sản phẩm nông sản của tỉnh có thương hiệu được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng lớn, như: BigC, Co.op Mart, Mega Market... mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các nông sản của tỉnh ra thị trường ngoài nước. Năm 2020, tỉnh đã xuất khẩu nhãn, xoài, chanh leo, chuối, mận hậu, thanh long sang các nước: Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Đài Loan, UAE... với tổng sản lượng nông sản xuất khẩu đạt trên 108.480 tấn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, đánh giá: Việc cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu giúp sản phẩm nhãn Sông Mã khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Đồng thời, đây là cơ sở để huyện quản lý tốt hơn chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, biết rõ nguồn gốc xuất xứ.

Năm 2020, sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài được 7.475 tấn. Con số này là minh chứng cho việc xây dựng thương hiệu thành công. Nhớ lại, vào thời điểm trước năm 2016, khi đó sản phẩm nhãn Sông Mã chưa có nhãn hiệu, nên chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh lân cận, khi đó cả huyện chỉ có 4 HTX trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 42 ha. Đến năm 2017, quả nhãn Sông Mã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Nhãn Sông Mã” và được cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu cho huyện Sông Mã, từ đó hiệu quả kinh tế cây nhãn mang lại cao hơn rất nhiều. Hiện nay, huyện Sông Mã có 35 HTX trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 560 ha.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã khó, việc duy trì và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm cũng rất cần được quan tâm. Để duy trì và phát triển chất lượng các sản phẩm đã được bảo hộ, Sở ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như xuất khẩu sản phẩm.

Có thể khẳng định, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp được xem là công cụ đắc lực giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản trên thị trường, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập người dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới