Xây dựng nông thôn mới: Khi chính sách đi vào cuộc sống

Trước thềm xuân mới Mậu Tuất, tỉnh ta công bố những thành tựu nổi bật năm 2017, trong đó công tác xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng: Chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới được quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Nông dân xã Chiềng Pằn (Yên Châu) sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Phấn khởi với kết quả xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ông Đinh Xuân Yệt, Chủ tịch UBND xã Gia Phù (Phù Yên) chia sẻ: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cách làm của xã là tập trung phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, đầu tư xây dựng hạ tầng là động lực cho phát triển, gắn với mở rộng phát triển thương mại dịch vụ, chú trọng chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, năm 2017, tỉnh ta đã có bước đột phá trong công tác xây dựng nông thôn mới. Với mục tiêu thực chất không chạy theo thành tích, hạn chế tối đa nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, xây dựng chế đặc thù trong triển khai chính sách xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tập thể. Các ngành chức năng, địa phương triển khai thực hiện tốt việc cụ thể hóa cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, các nguyên tắc dân chủ, tự nguyện được thực hiện triệt để, công khai, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân. Đồng thời, ban hành cơ chế thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, cơ cấu lao động nông thôn.

Điểm đáng chú ý trong năm qua, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được tập trung chỉ đạo theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, triển khai thực hiện tốt các chính sách của tỉnh về phát triển HTX kiểu mới, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả trên đất dốc, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ phát triển nuôi, khai thác thủy sản, gắn với phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La. Đặc biệt, nhằm động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững, đầu năm 2017, lần đầu tiên tỉnh ta đã tổ chức Hội nghị biểu dương 872 hộ gia đình có thu nhập từ trồng trọt 300 triệu đồng/ha/năm trở lên, hộ nuôi cá lồng thu nhập từ 2 tỷ đồng/ha; 54 HTX, doanh nghiệp có thu nhập từ trồng trọt 200 triệu đồng/ha trở lên và thu nhập từ nuôi cá lồng 1 tỷ đồng/ha trở lên.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các hình thức kinh tế tập thể, trang trại, hộ gia đình, nhân rộng quy trình sản xuất VietGAP có xuất xứ chỉ dẫn địa lý và thương hiệu đối với một số sản phẩm nông sản, từng bước kết nối với các chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có 311 HTX nông nghiệp, 3 liên hiệp HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; xây dựng 47 chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn, 9 sản phẩm nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu; đã xuất khẩu xoài, nhãn, chanh leo, rau xà lách cuộn, mật ong rừng sang một số nước, trong đó có các thị trường khó tính, như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Úc. Đồng thời, các địa phương đã thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, chuyển đổi những diện tích trồng ngô, lúa nương và cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Qua đó, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hỗ trợ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, từng bước mở rộng diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trong đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, điểm nổi bật là tỉnh ta đã cơ bản không có tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, các địa phương thực hiện tốt việc lựa chọn danh mục, lồng ghép nhiều nguồn vốn để triển khai các dự án. Phong trào làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 115 của HĐND tỉnh được phát động sâu rộng trong toàn tỉnh, thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân. Trong năm, các xã đã thi công 1.139 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 346 km, tổng mức đầu tư 411 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 125 tỷ đồng, nhân dân đóng góp vật liệu, công lao động trị giá 286 tỷ đồng.

Đón xuân mới, với những kết quả quan trọng đã đạt được, sẽ là động lực, kinh nghiệm quan trọng để tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ, đoàn kết, huy động nguồn lực của cộng đồng, người dân, để nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới