Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo ở Mai Sơn

Những năm qua, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lồng ghép hiệu quả các chương trình, nguồn vốn giảm nghèo đầu tư hạ tầng nông thôn, quan tâm đào tạo nghề cho lao động và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện.

Hộ nghèo xã Chiềng Mung (Mai Sơn) được vay vốn

làm nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.

Là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, xã Phiêng Cằm được ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ông Sùng A Châu, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, xã Phiêng Cằm được đầu tư xây dựng và sửa chữa 5 công trình giao thông nông thôn, công trình nước sinh hoạt bản Co Muông, xây dựng cầu qua suối bản Lọng Nghịu và 6 công trình nhà lớp học cho Trường tiểu học Phiêng Cằm I và các điểm trường của Trường Mầm non Phiêng Cằm, Trường Tiểu học Phiêng Cằm II, với tổng mức đầu tư gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn được hỗ trợ triển khai một số mô hình chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong mật... Đặc biệt, năm 2018, tuyến đường đến trung tâm xã được nhựa hóa đảm bảo đi được 4 mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Nhờ vậy, một số hộ đã chuyển đổi sang kinh doanh thương mại dịch vụ, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; nâng tiêu chí đạt trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng dâu tây theo chuỗi cung ứng nông sản an toàn
của HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản (Mai Sơn).
Ảnh: P.V

Không riêng xã Phiêng Cằm, các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Mai Sơn. Giai đoạn 2016-2018, từ các nguồn vốn chương trình dự án giảm nghèo, huyện Mai Sơn đã tổ chức các lớp dạy nghề cho 533 lao động nông thôn trên địa bàn huyện; hỗ trợ thực hiện 59 mô hình sản xuất, với gần 3.000 lượt hộ nghèo tham gia; đầu tư 38 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt và nhà văn hóa bản, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 30 tỷ đồng. Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, trong 3 năm đã giải ngân gần 490 tỷ đồng, cho trên 11.300 lượt người vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vay làm nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ... Ngoài ra, từ các nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ việc làm tỉnh, nguồn vốn các tổ chức hội Trung ương cấp cho các hội đoàn thể huyện quản lý đã có trên 400 lượt người được vay hơn 8,3 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, huyện cũng phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và các đơn vị tuyển dụng lao động ngoài tỉnh tổ chức tư vấn, tuyển dụng 1.142 lao động làm việc tại địa phương và các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Thông qua lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 18,49%, giảm 6,05% so với năm 2016. Toàn huyện đạt 232 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng 158 tiêu chí so với năm 2012), bình quân đạt 11,05 tiêu chí/xã; 4 xã về đích xây dựng nông thôn mới; 19/20 xã có đường giao thông đến trung tâm đi được 4 mùa và hơn 208 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; 19/20 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 20/22 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế... 

Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người dân trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; nêu gương, khen thưởng kịp thời các hộ điển hình trong sản xuất, kinh doanh.  Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo và cận nghèo; huy động mọi nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chính sách về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, trong đó, coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát và thực hiện.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới