Xây dựng nhiều mô hình giúp dân làm giàu

Thời gian qua, thông qua các chương trình dự án và khuyến nông tự nguyện, Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên đã đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân đưa giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng vào sản xuất.

 

Mô hình trồng thanh long của nhân dân bản Đông 1.

 

Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, để hỗ trợ người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Trao đổi với bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên, được biết: Nhờ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn “cầm tay chỉ việc” cho nông dân nên khi triển khai các mô hình, đa số nông hộ không gặp bỡ ngỡ, mà tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất và đạt hiệu quả cao. Hiện nay, Trạm đang nhân rộng ở một số địa bàn các mô hình, như: Mô hình trồng 9.100 m² thanh long ruột đỏ, triển khai từ năm 2016 với 14 hộ tham gia tập trung chủ yếu ở bản Đông 1 và Đông 2, xã Tường Phù. Trồng rau an toàn tại bản Kim Tân, xã Huy Bắc với mục tiêu sử dụng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở ngưỡng an toàn, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng đến tay người tiêu dùng. Nuôi vịt bầu cổ xanh với 17 hộ tại bản Bùa Thượng 2 và 3, xã Tường Phù tham gia, thực hiện ấp trứng và cấp 715 con giống ban đầu. Hiện, vịt đã đẻ và đạt trọng lượng 1,6 kg/con, vịt đực đạt 1,8 kg/con; hay mô hình trồng 25 ha xoài Đài Loan trên đất dốc ở các xã: Huy Tân, Tường Phong, Bắc Phong, triển khai từ năm 2017 với tỷ lệ cây sống đạt trên 95%. Qua thực hiện các mô hình, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác nhằm hạn chế thoái hóa đất và mở ra hướng phát triển trồng trọt, chăn nuôi quy mô, theo hướng hàng hóa. Đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động nhàn dỗi tại địa phương.

Mặc dù chỉ mới đưa vào trồng thử nghiệm từ tháng 4/2017, nhưng mô hình trồng 40 ha cây chanh leo do Trạm Khuyến nông huyện triển khai đã giúp cho 147 hộ dân tại 3 xã Tân Lang, Mường Do, Mường Cơi từng bước có nguồn thu nhập ổn định. Trước khi triển khai mô hình, Trạm đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc -  đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm, tổ chức tập huấn kỹ thuật và cầm tay chỉ việc theo từng công đoạn từ khâu đào hố, trồng, bón phân, chăm sóc, làm giàn, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, phân loại và đóng gói. Dự án được đánh giá thành công, sau 6 tháng triển khai, cây chanh leo sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 98%, cho năng suất bình quân 15 tấn quả/ha với giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng/ha.

Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình ông Lường Văn Mạnh, bản Han 1, xã Mường Do, ít ai biết, trước đây, gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn. Đến thăm gia đình ông đúng lúc cả nhà tập trung thu hái chanh leo bán cho Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Phía ngoài vườn chanh leo trước nhà, các con ông đang nhanh tay thu hái. Dưới gầm sàn, vợ ông lúi húi phân loại quả ra các sọt, còn ông thì đứng cân, ghi sổ và trực tiếp giao cho bên thu mua. Lau vội giọt mồ hôi trên trán, ông Mạnh chia sẻ: Từ ngày tham gia mô hình, tôi được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, lại được hỗ trợ mua cây giống chất lượng, tiền làm giàn và vôi bột xử lý. Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăm sóc nên cây chanh leo phát triển tốt, sai quả. Gia đình thu hoạch đến đâu, Công ty thu mua hết đến đấy. Nhiều khi thương lái đến tận vườn hỏi mua, nhưng chúng tôi không bán vì đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm ngay từ khi triển khai mô hình với Công ty. Hơn 6.000 m² chanh leo trồng nay đã cho thu quả nhiều đợt, bán với giá trung bình 13,5 nghìn đồng/kg, thu về hơn 120 triệu đồng. Gia đình tôi phấn khởi lắm. Mong rằng, Trạm Khuyến nông sẽ triển khai nhân rộng mô hình để bà con, nhất là những hộ còn khó khăn trong bản, trong xã có cái “cần câu” để vươn lên thoát nghèo.

Phát huy những kết quả đạt được, Trạm Khuyến nông huyện Phù Yên tiếp tục bám sát sự chỉ đạo chuyên môn của ngành và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường công tác khuyến nông; thường xuyên theo dõi  tình hình sâu bệnh để kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tập trung hướng dẫn các nông hộ thực hiện đốn, ghép mắt nhãn, xoài và triển khai đề án phát triển nuôi cá lồng năm 2018 tại các xã vùng lòng hồ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới