Vùng đất hiếu học Chiềng Sơn

Xã Chiềng Sơn không chỉ được biết đến là xã biên giới giàu truyền thống cách mạng, mà còn là vùng đất hiếu học trên cao nguyên Mộc Châu. Sự lan tỏa ngày một sâu rộng của phong trào khuyến học, khuyến tài trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, đã thắp sáng thêm “ngọn lửa” tinh thần hiếu học cho vùng đất này.

Cán bộ Hội khuyến học xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) tuyên truyền công tác khuyến học cho người dân.

             

Cùng với cán bộ khuyến học xã Chiềng Sơn, chúng tôi tới thăm dòng họ Sồng, dòng họ hiếu học tiêu biểu của xã. Dưới chân dãy núi Pha Luông hùng vĩ, 89 hộ của dòng họ Sồng đang sinh sống tại 4 bản: Pha Luông, Suối Thín, Hin Pén và Dân Quân. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là nhà ông Sồng A Tủa ở bản Pha Luông, Trưởng dòng họ Sồng. Trong ngôi nhà gỗ ba gian dựng theo kiểu nhà truyền thống của đồng bào Mông, những hàng giấy khen, vinh danh “dòng họ học tập” được treo ở vị trí trang trọng. Được biết, dòng họ có trên 85% hộ được công nhận gia đình học tập; 100% các con, các cháu của dòng họ Sồng đều được đến trường đúng độ tuổi; hằng năm, dòng họ đều có người thi đỗ và theo học các trường cao đẳng, đại học, đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh... Dòng họ Sồng còn thành lập quỹ khuyến học riêng, duy trì từ 6-7 triệu đồng/năm, kịp thời khen thưởng, động viên cho học sinh khá, giỏi, có thành tích cao... Nói về cách làm của dòng họ, ông Sồng A Tủa chia sẻ: Với đồng bào dân tộc Mông, người đứng đầu dòng họ phải nói được và làm được, thì bà con mới tin tưởng và làm theo. Do vậy, bản thân tôi và gia đình luôn tiên phong, gương mẫu; động viên và tạo điều kiện cho con được đi học đầy đủ, không để xảy ra tình trạng bỏ học để lập gia đình sớm, đi làm thuê... Đặc biệt là thường xuyên chia sẻ những câu chuyện, bài học thực tế, để các con, các cháu nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, có kiến thức, bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội, của địa phương.

             

Rời Pha Luông, chúng tôi tiếp tục tới bản Nậm Dên, gặp gỡ gia đình anh Cà Văn Đức, một trong những “gia đình học tập” tiêu biểu của xã Chiềng Sơn. Những ngày này, gia đình anh Đức đang vui chung niềm vui của cô con gái lớn chuẩn bị bước vào Đại học đúng theo nguyện vọng. Anh Cà Văn Đức chia sẻ: Với mong muốn các con trưởng thành, có công ăn việc làm, gia đình luôn động viên, tạo điều kiện tốt nhất để các con được học tập, rèn luyện. Gia đình cũng thường xuyên liên lạc, trao đổi với các giáo viên tại trường học để nắm bắt tâm tư, định hướng, hỗ trợ cho việc học tập của các con. Bản thân 2 vợ chồng anh Đức luôn cầu thị, học hỏi, trau dồi kiến thức để lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, cùng với việc kinh doanh cửa hàng tạp hóa nhỏ, gia đình còn trồng hơn 1 ha cây ăn quả, cà phê... thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, đủ để trang trải cuộc sống và chăm lo cho các con đi học.

             

Toàn xã Chiềng Sơn hiện có 23 chi hội khuyến học, 8 dòng họ, với trên 2.400 hội viên. Hằng năm, Hội khuyến học xã tích cực chỉ đạo và phối hợp với các đoàn thể, các đơn vị vận động, xây dựng và phát triển quỹ hội; vận động các chi hội bản, tiểu khu duy trì quỹ khuyến học bình quân từ 5 triệu đồng trở lên; chỉ đạo các chi hội trường học làm tốt công tác khen thưởng học sinh khá, giỏi, giáo viên dạy giỏi, có thành tích trong giảng dạy. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã vận động, đóng góp vào quỹ khuyến học xã đã hơn 110 triệu đồng; thực hiện khen thưởng cho 112 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện trở lên và thi đỗ cao đẳng, đại học; các chi hội khuyến học cũng khen thưởng trên 800 học sinh đạt học lực giỏi, tiên tiến trong các năm học. Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh xây dựng mô hình cộng đồng học tập, trong 5 năm đã tổ chức gần 100 lớp tập huấn cho người dân theo phương châm “cần gì học nấy”; phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện và các công ty giống cây trồng tổ chức 73 lớp tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho trên 6.800 lượt người; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 4.500 lượt người tại 20 bản, tiểu khu...

             

Đồng chí Cà Văn Phương, Chủ tịch Hội khuyến học xã, cho biết: Hiện, toàn xã có 98,1% gia đình đạt danh hiệu “gia đình học tập”, 80% bản, tiểu khu đạt danh hiệu “cộng đồng học tập”, 50% dòng họ đạt danh hiệu “dòng họ học tập”, 100% đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị học tập”. Kết quả tích cực từ các phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực của địa phương. Đến nay, xã Chiềng Sơn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; 75% số người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 2; 90% cán bộ quản lý và 95% công chức đạt trình độ chuẩn theo quy định...

             

Những con số trên đã khẳng định sự nỗ lực của xã Chiềng Sơn trong việc lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đồng thời, đem lại niềm tin, hy vọng về một tương lai với những đổi thay, khởi sắc trên mảnh đất vùng cao biên giới này.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới