Vinh dự, tự hào hai lần được gặp Bác Hồ

Nghệ nhân múa Hà Thị Óng, ở bản Nà Phái, xã Huy Bắc là người có rất nhiều đóng góp trong công tác xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, góp phần đưa Huy Bắc trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phong trào văn nghệ quần chúng của huyện Phù Yên. Hơn thế nữa, bà còn vinh dự từng hai lần được gặp Bác Hồ kính yêu.

Bà Hà Thị Óng kể chuyện hai lần được gặp Bác Hồ.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái, nghệ nhân chậm rãi kể về thời hoa niên, về những ngày sống cùng cha mẹ trong túp lều nhỏ trên nương tại khu rừng đầu nguồn suối Pu Khe, sát bên dãy Pu Khau phía Tây cánh đồng Mường Tấc. Những ký ức một thời cứ được lật giở qua câu chuyện của bà: Năm 1952, Phù Yên được giải phóng, trở thành địa bàn để bộ đội chủ lực của ta luyện quân chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Ngày ấy, gia đình tôi trồng rất nhiều rau cải trên nương, hàng ngày các chú bộ đội vẫn lên gánh rau về nuôi quân. Có lần, một chú bộ đội đưa cho bố tôi nhiều tờ tiền xanh xanh, hồng hồng, có in hình ông cụ râu tóc bạc phơ. Thấy tôi ngơ ngác, chú giải thích “Đây là Cụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta gọi là Bác Hồ, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Từ đó, tôi luôn ước mơ được một lần gặp Bác Hồ. Đến năm 1959, thầy giáo Hoàng Túc lên Tây Bắc, đến trường phổ thông châu lỵ Phù Yên để tuyển chọn học viên cho lớp diễn viên trường múa Việt Nam. Qua các vòng tuyển chọn, cuối cùng chỉ một mình tôi trúng tuyển. Vừa tròn 13 tuổi, tôi xuống thủ đô Hà Nội theo học hệ 7 năm, khóa I Trường múa Việt Nam (nay là Trường Cao đẳng múa Việt Nam). 

Trong những năm tháng học tập tại Trường múa, cứ các dịp lễ tết, tôi và một số bạn trong lớp lại được đại diện cho Đội thiếu niên tiền phong của trường vào Phủ Chủ tịch và Cung văn hóa thiếu nhi để biểu diễn. Và, niềm mong mỏi của tôi đã trở thành hiện thực, đó là vào khoảng hơn 17 giờ ngày 1/6/1960, khi cùng tốp thiếu nhi Trường múa Việt Nam vào Phủ Chủ tịch biểu diễn, vừa bước qua cổng, đã thấy các bạn chạy ùa về phía trước, vừa chạy vừa hô to “Bác Hồ, Bác Hồ đến”. Tôi cố chạy theo, các bạn chạy nhanh và bạo dạn hơn nên đã kịp xúm xít vây quanh Bác. Bác dang rộng vòng tay như muốn ôm tất cả chúng tôi vào lòng. Bác ân cần giảng giải cho chúng tôi nghe về ý nghĩa ngày Quốc tế thiếu nhi, rồi Người cùng chúng tôi hát rất say sưa; tiếp đó, Bác chia kẹo, căn dặn chúng tôi phải chăm ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô và cha mẹ.

Ngừng lại vì xúc động, rồi bà Óng tiếp mạch ký ức: Lần thứ hai tôi được gặp Bác là năm 1961. Đó là đêm biểu diễn nghệ thuật chúc thọ Người tại Cung văn hóa thiếu nhi. Khi chỉ còn ít phút nữa là đến giờ mở màn, bất ngờ Bác đến thăm, tất cả chúng tôi đang mải nhìn khán phòng phía dưới nên không hay biết. Chỉ khi nghe tiếng hô to “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến”, mọi người chạy ào về phía cánh gà sân khấu. Tôi cố len sát vào để được nhìn Bác thật rõ. Bác giản dị trong bộ quần áo kaki bạc màu, đứng giữa sân khấu thân mật nói chuyện với mọi người. 

Từ một bé gái dân tộc Thái sơ tán trong lán nhỏ trên nương, không biết mặt “con chữ”; được làm quen với tiếng phổ thông, đi học văn hóa, rồi học âm nhạc, học tiếng Nga, học chuyên môn múa, cùng các môn phụ..., qua hai lần vinh dự được gặp Bác, ghi nhớ những lời dạy ân cần, giản dị của Người, bà Óng luôn cố gắng học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, chuyên môn, được cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Từ khi ra trường năm 1966 cho đến lúc nghỉ hưu năm 1989, bà Hà Thị Óng từng đảm trách nhiều cương vị: Phó trưởng Đoàn văn công tỉnh Nghĩa Lộ (1968), Hiệu phó Trường nghệ thuật Hoàng Liên Sơn (1979), Quyền Hiệu trưởng Trường nghệ thuật Sơn La (1985). Dù ở vị trí nào, bà vẫn luôn tích cực, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương. Người dân xã Huy Bắc nhắc đến bà Óng với niềm tin yêu, mến phục, không chỉ bởi những đóng góp tiền của, công sức cho các phong trào văn hóa văn nghệ địa phương, mà chính bằng nhiệt huyết, khơi dậy niềm đam mê văn nghệ cho mọi người, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Với những đóng góp của mình, bà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ văn hóa, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp nghệ thuật múa Việt Nam; Nghệ nhân ưu tú; Huy hiệu 30, 40, 45, 50 năm tuổi Đảng.

Đã vào tuổi 75, nhưng bà Óng vẫn miệt mài lên kịch bản, say sưa truyền dạy nghệ thuật múa cho phụ nữ và người cao tuổi, tham gia tích cực mọi hoạt động của bản, của xã và địa phương, bởi với bà, những lời dạy bảo của Bác Hồ mãi là nguồn động viên, khích lệ vô bờ, giúp bà thêm nhiệt huyết, còn sức còn đóng góp cho hoạt động nghệ thuật của địa phương.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới