Về Nậm Lộng mùa sơn tra

Những ngày này, Nậm Lộng- bản xa nhất của xã vùng cao Hang Chú (Bắc Yên) đang vào mùa thu hoạch sơn tra, trên khắp các sườn đồi, trong vườn nhà, những cây sơn tra trĩu quả, chín vàng, hương thơm phảng phất.

Người dân bản Nậm Lộng, xã Hang Chú (Bắc Yên) thu hoạch sơn tra.

Cách trung tâm xã hơn 30 km, đường đến Nậm Lộng rất khó đi, chiếc xe máy chồm chồm vượt qua những đoạn đường lổn nhổn đất đá, đoạn thì trơn như đổ mỡ, trên đường thỉnh thoảng gặp từng tốp 4-5 xe máy, nối nhau chở sơn tra ra trung tâm xã. Anh Phàng A Giảng, cán bộ xã, bảo: Mấy hôm nay trời nắng, đường đi dễ hơn nhiều, chứ những hôm trời mưa, bà con phải quấn xích quanh bánh xe mới đi được. Mất gần 4 giờ chúng tôi mới đến bản. Phấn khởi đeo chiếc lu cở lên lưng, chúng tôi theo chân các chị em phụ nữ trong bản đi thu hái sơn tra, nếm thử trái sơn tra chín vàng, cảm nhận được vị ngọt, thơm, giòn. Vít cành sơn tra xuống, nhanh tay hái những trái chín mọng, chị Vàng Thị Xuân nói: Gia đình tôi có 7 ha sơn tra, trong đó 5 ha đã cho thu hoạch, thu đến đâu, thương lái từ xã Pắc Ngà đến tận vườn mua hết với giá trung bình 12.000 đồng/kg, năm nay dự kiến được hơn 10 tấn quả, thu hơn 110 triệu đồng.

Tìm hiểu được biết, bản Nậm Lộng có 93 hộ, hơn 470 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, bà con chia thành 3 khu dân cư, là Hua Ngà, Trại Bẹ và Nậm Lộng. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Hua Ngà, tiếp tục chặng đường gần 10 km vào Trại Bẹ và Nậm Lộng, càng đi vào sâu, sơn tra càng nhiều, bạt ngàn, trải dài hàng cây số. Cứ tháng 3, tháng 4, hoa sơn tra lại nở trắng rừng, tháng 9, tháng 10, cây sơn tra lại phủ màu vàng ruộm của trái chín. Trước đây, người dân có quan niệm sơn tra là “của núi, của rừng”, vì thế ai thích hái ở đâu thì hái, người dân thu hoạch quả bằng cách rung cây cho quả rụng xuống, hoặc dùng sào để đập cho quả rơi xuống, nhặt không hết, thậm chí, bà con thu hái không đúng thời vụ, lấy cả quả non, không bán được, rất lãng phí. Gần chục năm trở lại đây, khi sơn tra có giá trị kinh tế cao, Ban quản lý bản đã rà soát diện tích sơn tra, tổ chức họp dân, thống nhất chia diện tích sơn tra cho các hộ trong bản quản lý, bảo vệ. Lúc đầu, người dân phản đối vì nhiều nhà ở gần khu rừng nhiều sơn tra lại muốn được sở hữu nhiều hơn, nhưng sau khi được giải thích, tuyên truyền, bà con hiểu ra, đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ cây giống, bản tích cực tuyên truyền, vận động bà con trồng sơn tra vào những diện tích đất trống, đồi trọc và đất trồng cây lương thực kém hiệu quả. Đến nay, cả bản có hơn 400 ha sơn tra đã cho thu hoạch, trong đó 120 ha sơn tra trồng, sản lượng năm nay ước đạt hơn 200 tấn quả. Trưởng bản Vừ A Phềnh cho biết: Năm nay, do giá sơn tra cao gấp 3-4 lần so với năm 2018, nên cả bản sẽ thu về khoảng 3 tỷ đồng, một số hộ đã mua được cả ô tô tải để vận chuyển hàng hóa. Cây sơn tra đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở Nậm Lộng.

Trước đây, bà con chỉ để cây sơn tra phát triển tự nhiên, khi có quả thì thu hái, nhưng bây giờ, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng chống sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Là hộ có diện tích sơn tra nhiều nhất bản, ông Giàng A Chinh đã tự ươm giống sơn tra để trồng thay vào nương ngô, nương sắn, đến nay, gia đình ông có hơn 40 ha sơn tra (9 ha sơn tra tự nhiên, 31 ha sơn tra trồng). Ông Chinh chia sẻ: Sơn tra tuy là cây rừng, nhưng muốn nhiều quả thì phải chăm sóc, bón phân, phòng chống sâu bệnh. Bên cạnh đó, gia đình còn chọn những cây khỏe mạnh, chất lượng quả tốt để ghép, nhân giống. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu về hàng trăm triệu đồng từ sơn tra.

Chia tay Nậm Lộng khi nắng chiều đang tắt dần trên những cánh rừng, những chiếc lu cở trên lưng các chị trĩu nặng sơn tra, mùi hương trái chín lan tỏa. Chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của bà con nơi đây đang khởi sắc.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới