Về miền quê biên giới

Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng mùa thu, chúng tôi trở lại xã Chiềng Sơn để chia vui với những thành quả sau một năm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vùng quê biên giới này đang trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Mộc Châu.

 

Một góc Trung tâm xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).

Câu chuyện truyền thống quê hương

Từ trung tâm huyện Mộc Châu đi trên tuyến quốc lộ 43 rải nhựa dài hơn 17 km chúng tôi về đến Chiềng Sơn. Thật may, trong chuyến công tác lần này chúng tôi được gặp ông Bùi Minh Thuyên, từng là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường quốc doanh Chiềng Ve đầu những năm 90. Trò chuyện với ông, chúng tôi hiểu thêm về vùng đất biên giới này. Chiềng Sơn có diện tích tự nhiên khá rộng, với trên 9.100 ha, xã có 8,2 km đường biên giới giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Ngược dòng thời gian, tuyến quốc lộ 43 đoạn thị trấn Mộc Châu - xã Chiềng Sơn trước đây đã từng in dấu những bước chân của Đoàn quân Tây Tiến trên đường thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt địa danh đỉnh Pha Luông thuộc xã Chiềng Sơn đã đi vào những vần thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Những câu chuyện cảm động về tình quân dân trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn luôn là dấu ấn không quên của những người dân nơi đây. Trong hai cuộc kháng chiến giữ nước, nhân dân Chiềng Sơn đã góp công, góp sức, cùng nhân dân Mộc Châu nói riêng và nhân dân cả nước nói chung làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Đã có 26 người con ưu tú của xã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc... Ông Thuyên bảo, năm tháng hào hùng đó mãi khắc sâu trong lòng mỗi người dân Chiềng Sơn và đó cũng là động lực để mỗi người dân nỗ lực nhiều hơn trong công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh.

Cách đây gần 60 năm - năm 1959, theo tiếng gọi của Đảng và nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới các tỉnh miền núi Tây Bắc, hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên... đã lên Mộc Châu xây dựng Nông trường quốc doanh Mộc Châu. Đến năm 1969, thành nông trường quốc doanh Chiềng Ve - tiền thân của xã Chiềng Sơn được thành lập trên cơ sở tách một phần của xã Loóng Sập. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, xã Chiềng Sơn đã và đang trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế của cao nguyên Mộc Châu.

Chiềng Sơn ngày mới

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, đồng chí Lù Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn tự hào kể về những thành quả của xã đã đạt được trong những năm qua. Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, người dân Chiềng Sơn rất nhanh nhạy trong cơ chế thị trường, trong đó phải kể tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thu nhập bình quân ở xã đạt 26,8 triệu đồng/người/năm. Tháng 11 năm 2017, Chiềng Sơn là xã thứ hai của huyện Mộc Châu đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau khi đi thăm một số bản trong xã, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự năng động của những người dân vùng đất biên giới này trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Nằm ở độ cao 780m so với mực nước biển, Chiềng Sơn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng nhiều loại cây công nghiệp và nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao. Bởi vậy, cây chè Shan tuyết cùng một số loại cây trồng khác đã được lựa chọn đưa vào trồng và dần trở thành cây trồng chủ lực của xã. Hơn 300 ha chè Shan tuyết, sản lượng khoảng 3.700 tấn chè búp tươi/năm, điều đáng nói là giống chè Shan tuyết đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, khẳng định thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là lý do mà giá thu mua chè Shan tuyết búp tươi tăng 15%, nâng thu nhập của người trồng chè xã Chiềng Sơn lên 2 lần so với trước đây.

Qua câu chuyện với một số bà con ở các bản, chúng tôi hiểu thêm về sự nhanh nhạy trong việc khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế của người dân Chiềng Sơn. Từ tiềm năng về diện tích đất nông nghiệp khá lớn (trên 2.200 ha) ngoài phát triển cây chè Shan tuyết, nhân dân Chiềng Sơn còn trồng nhiều loại cây nông nghiệp khác, như: Chanh leo, nhãn, xoài Đài Loan... với mục đích đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, tránh việc thu nhập phụ thuộc vào một loại cây trồng, hơn nữa lại có thu nhập thường xuyên, ổn định. Ngoài trồng mới các loại cây ăn quả, bà con đã cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nông sản sạch, với tổng số 800 ha cây ăn quả các loại. Điều mà chúng tôi nhận thấy là, ít có địa phương nào người dân thâm canh tăng vụ đạt hiệu quả như ở Chiềng Sơn, trên 100 ha ruộng được bà con trồng 3 vụ/năm, gồm một vụ lúa, một vụ ngô ủ ướp, một vụ trồng hoa cải lấy hạt và phục vụ du lịch. Cả 3 vụ đều đạt hiệu quả kinh tế, đơn cử như năng suất ngô ủ ướp đạt 10-11 tấn/ha; lúa từ 6-7 tấn/ha; riêng vụ trồng hoa cải cho thu nhập kép từ hạt và du lịch, như vậy tổng thu nhập trên một ha đất canh tác đạt từ 60-70 triệu đồng/năm.

Những cảm nhận về sự năng động của người dân miền biên giới Chiềng Sơn càng rõ nét hơn khi chúng tôi dừng chân tại vườn chanh leo rộng hơn 2.000 m2 đang sai trĩu quả của gia đình bà Đoàn Thị Mai, tiểu khu I. Bà Mai chia sẻ: Nhận thấy các hộ dân trồng cây chanh leo có thu nhập khá, mà cây trồng này cũng không quá “khó tính”, nên gia đình tôi quyết định chuyển diện tích trồng ngô sang trồng loại cây này. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc cây, chanh leo phát triển tốt, cho năng suất cao, lại không phải lo đầu ra cho sản phẩm, vì đã có Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Sơn bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngay trong năm đầu tiên 2.000 m2 cây chanh leo gia đình tôi đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm 4.000 m2 cây chanh leo nữa.

Chia tay Chiềng Sơn, nhớ đến lời bài hát Chiều biên giới của nhạc sỹ Trần Chung “...Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào xanh hơn/Như chồi non cỏ biếc/Như rừng cây của lá...”, càng để lại nhiều cảm xúc về miền quê biên giới Chiềng Sơn đang khởi sắc từng ngày, tự tin vững bước trên con đường đổi mới.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới