Về bản Tốm

Đến bản Tốm, xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai) bây giờ đường nhựa đến tận bản, những ngôi nhà khang trang, hệ thống điện, công trình nhà văn hóa, điểm trường, công trình cấp nước... được đầu tư đồng bộ. Hơn 10 năm chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống người dân bản Tốm với đa số đồng bào dân tộc La Ha đã thay đổi rất nhiều; bà con luôn chung sức, chung lòng, đoàn kết vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Vườn cây ăn quả của gia đình ông Quàng Văn Lặn, bản Tốm, xã Nặm Ét (Quỳnh Nhai).

Bản Tốm trước đây nằm dọc ven bờ sông Đà, cuộc sống người dân gắn bó với sông nước. Từ khi xây dựng công trình thủy điện Sơn La, người dân bản Tốm được hỗ trợ di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ đến nơi ở mới, cách nơi cũ 5 km. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân địa phương và sự đoàn kết, giúp nhau vượt khó, cuộc sống của bà con đang từng ngày đổi thay. Bản Tốm hiện có 82 hộ, 389 nhân khẩu. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện nay, bản đã có nhà văn hóa, 1 điểm trường mầm non, 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Đời sống khá hơn, bà con luôn phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua câu chuyện với anh Quàng Văn Pánh, Trưởng bản Tốm, được biết: Do đặc điểm đất dốc, điều kiện sản xuất khó khăn, bản tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển những diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, như: Xoài, nhãn, vải... kết hợp chăn nuôi gia súc. Khắc phục khó khăn canh tác trên đất dốc, bà con không để đất bỏ hoang; tập trung thâm canh 67 ha ngô, 92 ha sắn, gần 9 ha ruộng. Chăn nuôi từng bước được đẩy mạnh, tập trung nuôi bò sinh sản và nuôi bò thịt để tạo sản phẩm hàng hóa, nhất là nuôi dê, vì nuôi dê không mất nhiều chi phí thức ăn, dễ nuôi, dễ chăm sóc lại ít bị dịch bệnh. Hiện bản có 48 con trâu, 145 con bò, hơn 200 con dê, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng người dân bản Tốm luôn nỗ lực vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 44 hộ năm 2013 xuống còn 32 hộ năm 2015.

Đến thăm mô hình kinh tế của ông Quàng Văn Lặn, chúng tôi càng hiểu hơn về ý chí vươn lên của người dân nơi đây. Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn để thoát nghèo, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, tìm hiểu sách, báo, tivi để áp dụng vào sản xuất; cùng gia đình cải tạo 6 ha đất thâm canh trồng ngô, sắn với các loại giống mới chịu hạn, chống đổ; thâm canh gần 3.000 m2 đất ruộng. Nhờ vậy, mỗi năm  thu trên 150 tấn sắn, 10-15 tấn ngô, 1-2 tấn lúa, ngoài ra, gia đình ông nuôi 10 con bò, mỗi năm bán từ 3-4 con, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 240 triệu đồng. Cũng như ông Quàng Văn Lặn, nhiều hộ trong bản có cách làm kinh tế cho thu nhập gần 150 triệu đồng/năm, như: Ông Quàng Văn Én, Lò Văn An, Quàng Văn Hặc...

Ngoài những nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế, người dân bản Tốm còn tích cực đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, giữ gìn an ninh trật tự. Bản thành lập 3 tổ liên gia tự quản thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình trật tự xã hội, có biện pháp xử lý kịp thời những vụ việc xảy ra, không để phát sinh gây mất tình làng, nghĩa xóm. Bản không có người nghiện ma túy và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, bản còn vận động các gia đình tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường học, bản hiện có 6 em theo học đại học, 4 em học cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Những hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, 26 hộ trong bản được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bản đang duy trì 1 đội văn nghệ thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần và tăng cường đoàn kết trong bản.

Với sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và nỗ lực vượt khó, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở địa phương.

Quốc Định
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới