Văn hóa đọc - rèn luyện nhân cách, tư duy, kỹ năng sống

Xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa đọc, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp đối với phát triển kiến thức, tư duy, kỹ năng, rèn luyện nhân cách... thông qua đọc sách.

Vừa ngồi yên chỗ, ông trung niên làm luôn một hồi:

- Ngày hội sách năm 2019 này mang chủ đề “Quyển sách tôi yêu”, diễn ra trong 2 ngày (20 và 21/4). Ngày sách Việt Nam thực sự là sự kiện văn hóa quan trọng đối với cộng đồng xã hội, nhất là những người yêu sách, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là dịp tôn vinh giá trị, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong công tác, học tập, nghiên cứu khoa học... Đồng thời, tác động tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thông tin thêm, bác da ngăm ngăm sôi nổi:

- Không chỉ có vậy, tháng 4 cũng là thời điểm diễn ra Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, định hướng đọc, khuyến khích mọi người dân các quốc gia trên thế giới phát triển, nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách; khám phá những giá trị tươi mới, cần thiết, hữu ích, hấp dẫn và lôi cuốn của sách trong đời sống xã hội. Tổ chức Ngày sách Việt Nam trong dịp này cũng là thể hiện sự hội nhập rộng rãi của văn hóa đọc Việt Nam trong dòng chảy của văn hóa nhân loại. Theo đó, tổ chức thi tuyên truyền, giới thiệu sách; triển lãm sách và các ấn phẩm; trao giải cho các tập thể, cá nhân có thành tích duy trì, phát triển, quảng bá văn hóa đọc; phát động phong trào tặng sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đồn biên phòng...

Các đàn anh vừa ngừng lời, anh chàng nhỏ thó tiếp ngay:

- Đương nhiên trong dịp này, sẽ tổ chức tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các thư viện, website, băng-rôn, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu, trao đổi, giới thiệu về sách, các loại sách, báo, tạp chí, công trình nghiên cứu khoa học…; cổ vũ phong trào đọc sách tại các thư viện, điểm bưu điện - văn hóa xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xã, bản, tiểu khu, trong thư viện nhà trường, các hoạt động ngoại khoá, hấp dẫn, phù hợp với từng cấp học; giao lưu tọa đàm “Bí quyết khai thác mỏ vàng trong những cuốn sách”, “Tặng sách là trao tri thức” và các hoạt động khác, hình thành thói quen đọc sách, ý thức tự học, học tập suốt đời của mọi đối tượng. Không chỉ thế, đây là dịp nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, đội ngũ những người viết sách, tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành sách... đối với duy trì, phát triển, định hướng văn hóa đọc.

Sau một hồi suy tư, ông trung niên bỗng trở nên văn hoa:

- Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển rất nhanh, với nhiều dạng thức, đòi hỏi văn hóa đọc càng phải phù hợp lối ứng xử, các giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh. Sách là một sản phẩm văn hóa, kho tàng tri thức quan trọng, “người thầy vĩ đại” dạy chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Đọc sách từ lâu là nét đẹp văn hóa dân tộc ta. Thời kỳ nào việc học, đọc sách cũng là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách, làm phong phú đời sống tinh thần cá nhân, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của văn hóa đọc - một trong những nguồn năng lượng thúc đẩy phát triển bền vững. Hơn thế, văn hóa đọc đang đòi hỏi tâm, tầm và định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước, nét đẹp trong cộng đồng xã hội và ý thức tự thân của mỗi người.

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới