Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguồn gốc cuối cùng của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.  (Ảnh minh họa: UN)

“Báo cáo này là một khởi đầu rất quan trọng, nhưng vẫn chưa kết thúc” –  Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. Ông khẳng định, tuy chưa tìm ra nguồn gốc của virus nhưng nghiên cứu khoa học này sẽ vẫn được tiếp tục. Việc tìm ra nguồn gốc của dịch bệnh cần có thời gian.

Người đứng đầu WHO đã hoan nghênh báo cáo nói trên, cho rằng báo cáo đã góp phần đáng kể nâng cao hiểu biết về đại dịch COVID-19.

Bản báo cáo dài 120 trang, đánh giá các khả năng phát sinh bệnh theo một số giả thuyết chính, nhưng không đưa ra kết luận chắc chắn nào. Theo đó, báo cáo đánh giá giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ ít khả năng”, trong khi đó giả thuyết bệnh lây từ động vật sang người qua một vật chủ trung gian là “có khả năng hoặc rất có khả năng”.

Trong báo cáo, các chuyên gia đã đưa ra một loạt khuyến nghị cho các nghiên cứu trong tương lai: phát triển cơ sở dữ liệu thông tin toàn diện, tiến hành nghiên cứu sâu, mang tính hệ thống về các trường hợp dịch bệnh trước đây và các vật chủ có thể làm lây lan dịch bệnh, đồng thời phân tích khả năng dây chuyền thực phẩm đông lạnh làm lây lan virus phát sinh dịch bệnh.

Trung Quốc hoan nghênh báo cáo, đồng thời cho rằng nghiên cứu chung của Trung Quốc và WHO sẽ đóng một vai trò tích cực tromg việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu truy tìm nguồn gốc bệnh COVID-19. Tuy nhiên, 14 nước, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Australia, Anh, Canada và Hàn Quốc, bày tỏ quan ngại, cho rằng nghiên cứu này bị trì hoãn và không được truy cập đầy đủ các dữ liệu gốc hoàn chỉnh./.