Vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Đến nay, huyện Sông Mã có 375 người có uy tín, chủ yếu là già làng, trưởng dòng họ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu và các thành phần khác, trong đó, đảng viên chiếm trên 30%. Người có uy tín trên địa bàn ở 375 bản của huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

                                       

Nhân dân bản H8, xã Mường Hung (Sông Mã) ghép mắt cải tạo vườn nhãn.

             

Giai đoạn 2011-2021, huyện đã bố trí trên 4 tỷ đồng thực hiện các chính sách đối với người có uy tín; tổ chức 21 hội nghị bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho 1.509 lượt người có uy tín; tổ chức 3 cuộc tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong tỉnh cho 281 lượt người có uy tín và phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức cho 66 lượt người có uy tín đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội và các tỉnh khác.

             

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Những năm qua, người có uy tín là tấm gương sáng, làm tốt vai trò động viên dân bản cùng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao... Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín chịu khó, siêng năng học hỏi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, là tấm gương mẫu mực đi đầu trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không truyền đạo trái phép... Tiêu biểu như các ông: Vì Văn Khó, bản Pát, xã Bó Sinh; Lò Văn Pản, bản Mo, xã Chiềng Khương; Lường Văn Tọi, bản Má Lươi, xã Chiềng Khoong; Quàng Văn Hó, bản Tre, xã Chiềng Cang; Lù A Tếnh, bản Pá Nó, xã Chiềng Cang; Sộng Bả Câu, bản Huổi Mươi, xã Mường Cai... Những đóng góp của người có uy tín đã thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 27% năm 2020.

             

Ông Quàng Văn Hó, người có uy tín ở bản Tre, xã Chiềng Cang, được các cấp, các ngành tặng  bằng khen, giấy khen về những thành tích trong phát triển kinh tế và các hoạt động ở địa phương. Ông Hó chia sẻ: Năm 2013, tôi đã cải tạo 10 ha vườn cây ăn quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào ghép nhãn, xoài và trồng hơn 2.000 gốc cam. Sau gần 10 năm cải tạo, chăm sóc, giờ đây, vườn cây ăn quả đem lại thu nhập cho gia đình hơn 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn nuôi 2 con trâu, 3 con bò, 10 con lợn, 2 ao cá và nhiều gia cầm. Thấy hiệu quả kinh tế của mô hình VAC, đã có nhiều hộ trong bản đến học theo cách làm của tôi và đã thoát nghèo.

             

Trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, người có uy tín đóng vai trò rất quan trọng, như khôi phục lại một số lễ hội dân gian truyền thống, sưu tầm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, truyền dạy các ngành nghề truyền thống của dân tộc mình; đóng góp ý kiến xây dựng thiết chế văn hóa, nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc được duy trì và phát triển; tỷ lệ thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng 309/411 bản; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 58%...

             

Tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tập hợp quần chúng, người uy tín huyện Sông Mã đã tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục; tham gia và vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không xâm canh xâm cư; đã cung cấp cho các ngành chức năng nhiều nguồn tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự ở vùng biên được giữ vững, nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự được giải quyết ổn định.

             

Huyện Sông Mã tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, để người có uy tín trên địa bàn thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín; biểu dương kịp thời người có uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua ở địa phương...

             

Huyền Trang

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới