Ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hưởng ứng cuộc vận động, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích đưa hàng Việt về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; vận động các tầng lớp nhân dân sử dụng hàng trong nước để kích cầu sản xuất phát triển. Trong 10 năm (2009-2019), tỉnh ta đã tổ chức 186 hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn; trong đó, 106 hội chợ tổ chức tại trung tâm các huyện, thành phố, 80 hội chợ tại các cụm xã với gần 20.000 gian hàng các loại, thu hút gần 15.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia và trên 250 nghìn lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm, giá trị trao đổi trên 400 tỷ đồng, tạo bước chuyển quan trọng trong nhận thức và hành vi tiêu dùng. Các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tích cực đổi mới phương thức sản xuất, đầu tư công nghệ, cải thiện mẫu mã sản phẩm... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 80%; các chợ truyền thống, cửa hàng, đại lý bán lẻ tỷ lệ này chiếm 75%. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến đều có ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường... Tuy nhiên, cuộc vận động vẫn còn những hạn chế: Một số nơi, cấp ủy, chính quyền và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về cuộc vận động; sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động chưa liên tục, hiệu quả, nhất là cấp cơ sở; phân biệt giữa hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng của người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn...

Để phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trước hết các cấp, các ngành cần tuyên truyền, vận động giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt; xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường bền vững. Tăng cường quản lý Nhà nước về thương mại trên địa bàn, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”; xây dựng và quảng bá các mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, HTX về kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu; các hoạt động hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong kiểm soát luồng lưu thông hàng hóa; nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh chấp hành đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Tăng cường hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng mạnh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quan trọng hơn nữa là các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước, trong tỉnh phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa... những điều đó mới mang ý nghĩa quyết định, lâu dài, bền vững.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới