Ước mơ và hiện thực "Thiên đường sữa Mộc Châu"

Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ quanh năm, lượng mưa và độ ẩm ổn định giúp hệ thực vật nơi đây phát triển. Nhờ đó các cánh đồng cỏ bao la trên thảo nguyên luôn xanh tươi, trở thành nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho phát triển chăn nuôi bò sữa. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, huyện Mộc Châu đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với một loạt dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Một trong số đó là Dự án“Thiên đường sữa Mộc Châu” của Mộc Châu Milk đang chuẩn bị khởi công vào cuối tháng 5 trong chuỗi sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam.

                                 

Họp chuẩn bị cho Lễ khởi công dự án Thiên đường sữa Mộc Châu.

           

Ngược dòng lịch sử, năm 1958, khi Nông trường Mộc Châu (tiền thân của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu) được thành lập. Những người lính Cụ Hồ khi đó bắt tay vào khai hoang vùng Tây Bắc và nhận nhiệm vụ chăn nuôi bò sữa lẫn bò lai Shind. Khi đó cả Nông trường mới đưa hơn 20 con bò sữa về nuôi. Một năm sau, ngày 9/5/1959, nông trường vinh dự đón Bác Hồ tới thăm và căn dặn: “Các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa 1 ngày, nhưng khi xây dựng CNXH khá thì nhất định không phải là 7 lít mà phải 27 lít hoặc hơn nữa”. Sau ngày Bác lên thăm, phong trào lao động sản xuất có những chuyển biến mạnh mẽ, cán bộ, chiến sỹ, công nhân nông trường ra sức cống hiến tâm trí và sức lực xây dựng Nông trường. Ước mơ về "Thiên đường sữa Mộc Châu" được ấp ủ, biến những bãi hoang hóa đã dần biến thành đồng cỏ, từng bước làm cho mảnh đất cao nguyên biến đổi không ngừng, trở thành vùng thảo nguyên trù phú.

           

Phối cảnh dự án "Thiên đường sữa Mộc Châu".

           

Hơn 63 năm từ một nông trường với vài chục con bò sữa, đến nay, Mộc Châu Milk trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk với chuỗi sản xuất khép kín theo phương thức liên kết “4 nhà”. Mộc Châu Milk đang sở hữu đàn bò có năng suất và sản lượng sữa cao nhất nhì trong ngành với 550 hộ chăn nuôi, đàn bò sữa có hơn 27.000 con; sản lượng sữa trung bình toàn đàn khoảng 27 lít sữa/con/ngày. Sữa được vắt bằng hệ thống tự động và được kiểm tra sơ bộ trên 10 tiêu chí chất lượng trước khi thu mua, sau đó chuyển về nhà máy. Sản phẩm sữa của Công ty được sản xuất trên dây chuyền hiện đại khép kín của Thụy Điển theo tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo giữ trọn dinh dưỡng tự nhiên và 100% tươi sạch với công suất lên tới 100.000 hộp sữa/giờ.

           

Trung tâm giống và chuyển giao kỹ thuật của Mộc Châu Milk.

           

Phát huy lợi thế khí hậu, thiên nhiên trong chăn nuôi bò sữa, Mộc Châu Milk quyết tâm đưa cao nguyên Mộc Châu thành "thủ phủ bò sữa công nghệ cao" của cả nước, đồng thời tiếp tục mang đến cho hàng triệu gia đình Việt nguồn sữa tươi thơm ngon, mát lành tự nhiên và giàu dinh dưỡng với Dự án "Thiên đường sữa Mộc Châu”. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng trên 150 ha đất tại huyện Mộc Châu, với các hạng mục như: Trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với quy mô 4.000 con (trong đó có khoảng 45-50% vắt sữa) đáp ứng sản xuất khoảng 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu mỗi năm cho nhà máy sản xuất; cung cấp giống bò sữa Holstein thuần được sinh ra tại Việt Nam có chất lượng cao đáp ứng con giống cho nhu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt của địa phương; khu cảnh quan sinh thái đồng cỏ và các công trình tiện ích, thương mại dịch vụ phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu Mộc Châu Milk và du lịch Mộc Châu.

           

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Mộc Châu Milk.

           

Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk, cho biết: Với những định hướng phát triển lâu dài, Mộc Châu Milk đã và đang cho thấy sự quyết tâm đưa cao nguyên Mộc Châu thành vùng nguyên liệu sữa tươi chuẩn quốc tế; tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao từ “Thiên đường sữa Mộc Châu”.

           

Để thu hút nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, huyện Mộc Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực phối hợp với các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến khảo sát, lập và triển khai dự án trên địa bàn.

           

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Chúng tôi xác định đây là dự án lớn triển khai trên địa bàn sẽ đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Mộc Châu, thời gian qua, huyện Mộc Châu phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để thực hiện các thủ tục có liên quan để sớm đẩy nhanh tiến độ khởi công. Đến thời điểm này, huyện Mộc Châu đã phối hợp với các đơn vị sự kiện chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Lễ khởi công từ công tác lễ tân, đón tiếp đại biểu; chuẩn bị địa điểm, an ninh trật tự được tăng cường.

           

Trang trại du lịch Bò sữa Dairy Farm của Mộc Châu Milk.

           

Với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với những nỗ lực của nhà đầu tư, công tác chuẩn bị cho Lễ khởi công dự án “Thiên đường sữa Mộc Châu” đã và đang được triển khai nhanh chóng, thuận lợi và đang bước vào những ngày hoàn thiện cuối cùng. Dự kiến đến năm 2024, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng hứa hẹn sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu Mộc Châu Milk, tạo điểm nhấn quan trọng, với các mô hình tham quan trải nghiệm hấp dẫn cho du khách và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới