Ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý phương tiện vận tải

Trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh ta phát triển mạnh, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vận chuyển hàng hóa, hành khách, phục vụ giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cán bộ Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT)

kiểm tra hoạt động của phương tiện vận tải qua thiết bị giám sát hành trình.

Hiện, Sở Giao thông- Vận tải  Sơn La (GTVT) đang quản lý Nhà nước 796 đơn vị, hộ kinh doanh vận tải, trong đó 27 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, bằng xe buýt, xe hợp đồng, taxi. Cùng với những sự phát triển của các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải đang phục vụ hiệu quả nhu cầu của khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, trong lĩnh vực vận tải đường bộ hiện còn tồn tại nhiều yếu kém, tác động xấu đến chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông. Để khắc phục, Sở GTVT đã triển khai các ứng dụng công nghệ trong quản lý phương tiện vận tải. Theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, tất cả các xe ô-tô tham gia kinh doanh vận tải đều phải gắn phù hiệu và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vận hành. 

Qua thiết bị giám sát hành trình có thể khai thác các thông tin dữ liệu, gồm: Báo cáo thông tin về xe và lái xe (số nhận dạng của xe - VIN và biển số xe; tên lái xe và số giấy phép lái xe; thông tin về thời gian làm việc của lái xe); báo cáo hành trình của xe (các thông tin về tốc độ, thời gian, quãng đường chạy, tọa độ của xe trong suốt hành trình chạy của xe); báo cáo tốc độ vận hành của xe (tốc độ vận hành trung bình của xe tương ứng với thời gian thực trong suốt hành trình chạy của xe; tốc độ xe tức thời từng thời điểm trong suốt hành trình chạy xe; cảnh báo lái xe khi xe chạy quá tốc độ giới hạn và ghi nhận số lần xe chạy quá tốc độ giới hạn trong suốt hành trình chạy xe; báo cáo số lần và thời gian dừng, đỗ xe; báo cáo số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; báo cáo thời gian làm việc của lái xe...) và nhiều tính năng ưu việt khác... Do đó việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành phương tiện vận tải đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế các vi phạm trong hoạt động vận tải, đặc biệt là về tai nạn giao thông.

Ông Lù Văn Cường, Phó Giám đốc Sở GT-VT nói: Sở đã tham mưu cho Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành của người tham gia giao thông bằng nhiều hình thức. Hàng năm, công tác tuyên truyền đều gắn theo chủ đề, đối tượng tham gia giao thông, như: An toàn cho người đi xe mô tô; kiểm soát tốc độ; kiểm soát tải trọng phương tiện; quy tắc giao thông đường bộ, sử dụng phần đường, làn đường; không uống rượu bia đối với lái xe; điều kiện bảo đảm an toàn phương tiện tham gia giao thông...

Xác định công tác tuyên truyền cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cấp, ngành, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành thành viên, các huyện, thành phố, tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Đặc biệt, đối với lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải thông qua các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa; theo dõi hoạt động của các phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lồng ghép công tác tuyên truyền và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải. Phối hợp với lực lượng Công an để xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô-tô. Chỉ đạo các bến xe trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại bến xe, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ phương tiện và người lái, tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình của xe trước khi cho xe xuất bến; kiên quyết không cho xuất bến đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện theo quy định, hoặc lái xe có biểu hiện sử dụng rượu, bia, các chất kích thích. Tiếp tục kiến nghị với Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô cho phù hợp với điều kiện thực tế. 

Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tin tưởng các hoạt động, dịch vụ kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả, ổn định, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới