Tỷ phú bên dòng sông Đà

Không cam chịu đói nghèo, với hai “bàn tay trắng” và quyết tâm vươn lên làm giàu, ông Mùi Văn Quang, dân tộc Mường, ở bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa (Bắc Yên) đã từng bước nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế gia đình, trở thành tỷ phú ở địa phương.

                                       

Khát vọng làm giàu

             

Đầu tháng 7, dưới cái nắng oi ả đặc trưng của miền sông nước, chúng tôi về bản Nhạn Nọc tìm gặp ông Mùi Văn Quang. Theo chỉ dẫn của người dân thì ngôi nhà nào to nhất bản đó là nhà ông Quang, nên không khó để chúng tôi tìm đúng địa chỉ. Quả thật, cơ ngơi của ông thật bề thế, bên cạnh ngôi nhà ở khang trang là một xưởng rộng rãi với đủ các loại máy xúc, máy ủi, xe ben... Sau cái bắt tay thật chặt, ông Quang bảo: Đang đến kỳ bảo dưỡng, nên máy móc mới tập trung về xưởng, chứ thường thì đều ở ngoài công trường hết.

             

Ông Mùi Văn Quang (bên phải) chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả với người dân.

             

Rót chén nước trà mời khách, rồi ông Quang kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình của ông trước đây. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, có 7 người con. Ở vùng quê còn nhiều gian khó, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất nương, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, do sản xuất nhiều năm nên đất bị xói mòn, năng suất thấp. Trước cái đói, cái nghèo đeo bám, nên ngay từ khi còn đi học phổ thông, ông đã đau đáu trong lòng, làm thế nào để cuộc sống gia đình đỡ vất vả. Ông bùi ngùi nhớ lại: Khi hoàn thành bậc trung học cơ sở, lúc đó thấy cha mẹ phải đi làm quần quật vẫn không đủ khả năng nuôi các em ăn học, tôi xin cha mẹ cho nghỉ học để kiếm tiền phụ nuôi các em. Dù rất muốn cho con được ăn học chu đáo, nhưng bố mẹ tôi đành đồng ý cho tôi nghỉ học. Thời gian đó, tôi cùng bố mẹ đã làm đủ nghề để kiếm sống, từ trồng ngô, trồng sắn đến dựng nhà thuê cho các hộ dân trong bản, trong xã…, không nề hà bất cứ việc gì, miễn là có thu nhập để cuộc sống gia đình bớt khổ và các em không phải bỏ học. Khát vọng vươn lên làm giàu, để cuộc sống gia đình bớt khó khăn như một ngọn lửa thôi thúc tôi từ thuở thiếu thời.

             

Sau 6 năm lăn lộn kiếm sống, năm 1988, khi đó mới chỉ 19 tuổi, ông Quang đã tích cóp được 200 nghìn đồng làm vốn. Trăn trở, sử dụng số tiền này thế nào để sinh lời, ban đầu ông dự định mua bò giống nhưng không đủ tiền, sau đó ông đã có quyết định táo bạo, cùng với số tiền tích cóp, vay thêm tiền của anh em họ hàng, đầu tư kinh doanh, thu mua ngô, sắn của người dân trong bản, trong xã, rồi thuê thuyền chở lên bến phà Tạ Khoa để bán lại cho các thương lái từ Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Việc kinh doanh thuận lợi, sau 2 vụ kinh doanh nông sản, ông trả hết nợ và tiết kiệm được 19 triệu đồng. Đầu những năm 1990, khi đó một số hộ dân trong xã bắt đầu có nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ. Nhanh nhạy với thời cuộc, ông sử dụng số tiền tiết kiệm kinh doanh vật liệu xây dựng. Hộ nào còn thiếu tiền, ông cho nợ và trả sau khi thu hoạch nông sản. Bằng cách làm này, 7 năm sau, ông đã tích cóp được 50 triệu đồng, đây là khoản tiền khá lớn vào thời điểm đó.

             

Lấy chữ “tín” làm đầu trong kinh doanh, nên người dân trong bản, trong xã thường bán nông sản cho ông và cũng có nhiều thương lái đặt mua nông sản của ông. Vì vậy, việc thuê thuyền chở nông sản không đáp ứng số lượng hàng giao cho thương lái. Ông đã quyết định đóng một chiếc thuyền lớn có tải trọng 15 tấn để chở hàng. Thuyền của ông thường xuyên lên bến phà Tạ Khoa cũ rồi xuôi về Hòa Bình để trao đổi hàng hóa, nguồn thu từ kinh doanh nông sản và vật liệu xây dựng của gia đình ông Quang tăng dần và đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm.

             

Hết mình với quê hương

             

Trong một lần đi giao hàng ở Hòa Bình, ông Quang được đối tác giới thiệu về giống ngô lai LVN10 cho năng suất cao hơn hẳn so với loại cũ mà bà con thường trồng. Sau đó, ông đã tìm về huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội) để “mục sở thị” cánh đồng ngô mà đối tác giới thiệu và quyết định mua 5 tấn hạt ngô lai LVN10 giống về cung cấp cho bà con trong bản, trong xã đưa vào sản xuất. Khi mang ngô giống mới về, để bà con tin tưởng đưa vào trồng, ông Quang đã cam kết với bà con, nếu giống ngô này không đạt năng suất cao, ông sẽ đền toàn bộ thiệt hại cho bà con. Đây chính là khởi nguồn của việc gọi xã Tạ Khoa là “thủ phủ ngô lai” mà người dân các xã dọc sông hai huyện Bắc Yên, Phù Yên mỗi khi nhắc tới xã Tạ Khoa cách đây chừng 20 năm, khi đó diện tích trồng lên tới 1.000 ha. Tin tưởng ông, bà con đã đưa giống ngô này vào thâm canh, qua thực tế cho thấy, năng suất đạt cao hơn giống ngô cũ từ 2-3 tấn/ha, chất lượng ngô hạt tốt hơn giống cũ, nên giá bán cao hơn hẳn, nhiều hộ từ đó có của ăn, của để.

             

Sau nhiều năm canh tác theo kiểu “chọc lỗ tra hạt”, đất đai ngày càng bạc màu nên năng suất ngô thấp, cùng với đó, giá bán ngô ngày một giảm. Trong những lần đi giao hàng ở các vùng, qua câu chuyện với người dân, ông Quang nhận thấy, việc trồng cây ăn quả và một số loại cây lấy gỗ cho hiệu quả hơn so với trồng ngô. Năm 2008, ông đã chuyển toàn bộ 29 ha đất trồng ngô của gia đình sang trồng cây ăn quả, cây xoan và cây trám. Đến nay, các loại cây trồng của gia đình ông đã cho thu hoạch. Với 1 ha bưởi, xoài cho sản lượng 10 tấn quả/năm. Còn diện tích xoan nếu khai thác và bán theo cách tính cột khoảng 2,5 m/cột vào thời điểm hiện tại, giá bản lẻ khoảng 250 nghìn đồng một cột, doanh thu cho một lần khai thác tùy vào số lượng theo đơn đặt hàng của khách đặt mua.

             

Đưa chúng tôi đi thăm rừng xoan ở phía đầu nguồn suối Sắt, ông Quang hồ hởi: Trồng cây lấy gỗ vừa giữ được đất, mà chỉ mấy năm là có thể thu bán. Hiện nay, có doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc lên đặt vấn đề khai thác, nhưng gia đình tôi chưa muốn bán, vì đường kính của cây chưa đạt như mong muốn. Nhận thấy trồng cây lâm nghiệp đa lợi ích, tôi đã vận động một số hộ dân trong bản đang đi làm xa, nên tận dụng diện tích đất nương của gia đình trồng các loại cây lấy gỗ, sau khi trồng vì không cần nhiều công chăm sóc, nên có đi làm xa, thì đất vẫn không bị bỏ hoang phí và tôi sẵn sàng hỗ trợ cây giống cho bà con, trong bản đã một số hộ dân đã đề nghị tôi cung cấp cây giống để bắt đầu trồng cây lâm nghiệp.

             

Góp phần xây dựng nông thôn mới, để mở con đường từ bến sông vào bản và triển khai làm đường giao thông nội bản, ông Quang còn tình nguyện đưa máy xúc của gia đình san ủi mặt bằng, đồng hành cùng người dân trong bản để làm đường thuận lợi nhất, nhanh nhất. Ngoài ra, mỗi năm ông còn tạo việc làm cho trên 10 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

             

Năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, gia đình ông Quang đang được đề nghị Trung ương Hội Nông dân công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2015-2020. Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng tỷ phú bên dòng sông Đà Mùi Văn Quang vẫn luôn trăn trở tìm cách để giúp bà con trong bản có hướng phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả, để ai cũng có cuộc sống khá giả và cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới