Tuần qua: Mỹ Latinh trở thành “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19

Thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) diễn biến phức tạp tại một số khu vực trên thế giới, đáng ngại là khu vực Mỹ Latinh đã trở thành “điểm nóng” mới của đại dịch với tốc độ lây lan khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo khu vực này sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn phía trước.

Mỹ Latinh – “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19

Brazil trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. (Ảnh: Reuters) 

Tính đến sáng ngày 31/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận đã vượt mốc 6,1 triệu ca nhiễm COVID-19. Mỹ Latinh đã trở thành “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19 trong tuần qua. Tại cuộc họp trực tuyến ngày 26/5, dựa trên các dự báo nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tăng cao tại Brazil và các nước Mỹ Latinh đến hết tháng 8, Giám đốc WHO khu vực châu Mỹ và là người đứng đầu Tổ chức Y tế Bắc và Nam Mỹ (PAHO) Carissa Etienne nhận định: “Giờ không phải là thời điểm để các quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế”.

Các giám đốc PAHO đã cảnh báo về những tuần “vô cùng khó khăn” phía trước trong khu vực và Brazil, nước có số ca COVID-19 cao thứ 2 thế giới, vẫn còn một chặng đường dài để chấm dứt đại dịch. Một nghiên cứu mới đây của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc trường Đại học Washington của Mỹ dự báo số người tử vong vì đại dịch COVID-19 ở Brazil có thể tăng 5 lần lên mức 125.000 vào tháng 8. Các chuyên gia WHO cũng bày tỏ lo ngại về các đợt bùng phát dịch bệnh ở Peru, Chile, El Salvador, Guatemala, và Nicaragua.

Bên cạnh đó, những diễn biến đáng chú ý khác liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng được ghi nhận trong tuần qua. Ngày 25/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo tạm thời đình chỉ các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine trên các bệnh nhân COVID-19, trong khi Hội đồng Giám sát An toàn Dữ liệu tiến hành đánh giá về loại thuốc này. Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến diễn ra cùng ngày, người đứng đầu WHO cho biết, vào cuối tuần trước, tuần san y khoa Lancet công bố một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hydroxychloroquine (một dạng thuốc liên quan tới chloroquine) điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có thể làm gia tăng khả năng tử vong của những người này.

Trong một diễn biến khác, ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt mối quan hệ với WHO do phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Chúng tôi đã nêu chi tiết các cải cách mà tổ chức này cần thực hiện, nhưng họ đã từ chối hành động. Vì họ đã không thực hiện các cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới”.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ cho WHO sang các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh thế giới cần câu trả lời từ Trung Quốc về virus SARS-CoV-2 và cần sự minh bạch.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc WHO đã bỏ qua những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12/2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa. Tiếp theo những chỉ trích, ngày 14/4, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính quyền Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra của họ với cách "phản ứng thất bại" của WHO trước dịch COVID-19. Gần đây nhất, trong bức thư dài 4 trang đề ngày 18/5 gửi Tổng Giám đốc WHO, Tổng thống Donald Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.

Nga thống nhất quan điểm về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Tổng thống V. Putin họp trực tuyến với các Ủy viên thường trực
Hội đồng An ninh quốc gia Nga . (Ảnh: nhandan.com.vn)

Theo hãng tin Nga Sputniknews, ngày 30/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng các Ủy viên thường trực Hội đồng An ninh quốc gia thảo luận về quan điểm của Moskva liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, cũng như bàn về số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).

Trong cuộc gặp, Tổng thống Putin nêu rõ nội dung thảo luận chính là một số vấn đề về an ninh nội bộ và chương trình nghị sự quốc tế. Theo ông, giới chức an ninh Nga phải nhất trí quan điểm về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Trong khi đó, Hiệp ước New START trên thực tế sẽ sớm chấm dứt, vì vậy hiện có thể đã là quá muộn để bắt đầu các cuộc thảo luận nghiêm túc về tầm quan trọng của vấn đề này, không chỉ đối với nước Nga mà với cả thế giới.

Trước đó, ngày 22/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ về Hiệp ước Bầu trời mở, song chỉ trên cơ sở bình đẳng, có tính tới mối quan tâm của nhau. Thông báo cho biết, Nga sẽ xây dựng chính sách liên quan đến Hiệp định Bầu trời mở, hoàn toàn xuất phát từ lợi ích an ninh quốc gia, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia (34 quốc gia) công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên.

Thủ tướng Đức từ chối dự hội nghị G7 ở Washington 

Thủ tướng Merkel đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trong G7 khẳng định không tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Washington. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tổ chức theo hình thức trực tiếp tại thủ đô Washington.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 29/5 cho biết Thủ tướng Merkel đã cảm ơn Tổng thống Trump về lời mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 6 tới tại Washington. Trong bối cảnh hiện nay, cân nhắc tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trên khắp thế giới, bà Merkel không thể nhận lời trực tiếp đến dự hội nghị ở Washington, song bà sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh. 

Như vậy, Thủ tướng Merkel đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trong G7 (gồm Mỹ, Italy, Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức và Anh) khẳng định không tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Washington.

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố hoãn hội nghị thượng đỉnh G7 cùng Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức vào ngày 10/6 tại Mỹ, do dịch COVID-19 lây lan khắp thế giới và tình trạng đi lại toàn cầu bị hạn chế. Tuy nhiên, tuần trước, ông Trump cho rằng đã đến lúc tổ chức một hội nghị G7 trực tiếp, đồng thời nhấn mạnh rằng đây sẽ là một thông điệp cho thấy thế giới đang dần khôi phục trạng thái bình thường sau cuộc khủng hoảng y tế này.

Châu Âu phản đối Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt liên quan tới Iran

Châu Âu phản đối Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt liên quan tới Iran. (Ảnh: Reuters)

Ngày 30/5, các nước Pháp, Đức và Anh đã chỉ trích quyết định của Mỹ chấm dứt lệnh miễn trừ trừng phạt cho phép các hoạt động tại những cơ sở hạt nhân của Iran nhằm ngăn chặn các chương trình phát triển vũ khí. 

Trong tuyên bố chung, 3 nước châu Âu nói trên nêu rõ: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ chấm dứt 3 lệnh miễn trừ. Đây là những công việc được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm phục vụ các lợi ích không phổ biến vũ khí hạt nhân của tất cả các bên và đảm bảo với cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình và an toàn trong các hoạt động nghiên cứu hạt nhân của Iran."

Các lệnh miễn trừ này cho phép các công ty của Nga, Trung Quốc và châu Âu tham gia dự án chuyển đổi mục đích sử dụng của lò phản ứng nước nặng Arak của Iran thành lò phản ứng nghiên cứu và đưa nhiên liệu đã qua sử dụng ra nước ngoài.

Trước đó, ngày 27/5, Mỹ đã tuyên bố chấm dứt lệnh miễn trừ trừng phạt đối với các nước vẫn tiếp tục tham gia thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran, vốn cho phép Nga, Trung Quốc và các công ty châu Âu làm việc tại các địa điểm hạt nhân nhạy cảm của Tehran, khiến thỏa thuận này đứng bên bờ vực sụp đổ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington đang đáp trả các bước đi hạt nhân “bên miệng hố chiến tranh” của Iran nhằm buộc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Biểu tình khắp 30 thành phố tại Mỹ

Người biểu tình tại Minneapolis. (Ảnh: AP) 

Biểu tình đã xảy ra tại ít nhât 30 thành phố khắp nước Mỹ từ tối 30/5 sau vụ một người da màu không vũ khí đã tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết bạo động bắt nguồn từ việc việc cảnh sát bắt giữ và khiến công dân da màu George Floyd tử vong tại bang Minnesota (Mỹ) hôm 25/5. Trong đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội, một cảnh sát đã ghì đầu gối lên cổ của Floyd khiến anh này lịm dần và không thể nói. Trước đó, Floyd đã van xin cảnh sát: “Làm ơn. Tôi không thở được”. Viên cảnh sát đã ghì cổ Floyd trong 8 phút. Sau đó không lâu, Floyd qua đời trong bệnh viện. Bất bình vì cái chết của Floyd, nhiều người dân Mỹ đã ra đường biểu tình. Tuy nhiên, biểu tình kéo theo bạo lực khi người dân phóng hỏa, ném gạch, bắn súng hơi vào cảnh sát. Nhiều thành phố đã triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Thống đốc bang Georgia đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngày 30/5 và đề nghị Lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ. Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng thực hiện nhiệm vụ tại thủ đô Washington D.C. Bên ngoài Nhà Trắng, đám đông đã biểu tình phản đối Tổng thống Donald Trump. Nhiều người biểu tình cố lật đổ hàng rào, ném chai và nhiều vật dụng khác vào cảnh sát. Cảnh sát cho biết tại thành phố Detroit, bang Michigan, một kẻ ngồi trong xe SUV đã xả súng vào đám đông người biểu tình khiến một người thiệt mạng. Người biểu tình đã xông vào trụ sở cảnh sát tại Portland và Oregon vào tối 29/5. Người phát ngôn lực lượng cảnh sát thành phố Atlanta, bang Georgia nói rằng người biểu tình đã ném gạch, bắn súng hơi vào lực lượng hành pháp khiến 3 cảnh sát bị thương. Sở cảnh sát Houston trong khi đó thông báo đã bắt giữ gần 200 người biểu tình trong tối 29/5. Trong khi đó, 4 cảnh sát đã bị thương nhẹ, 8 xe cảnh sát bị phá hủy.

Vụ 39 thi thể trong xe tải ở Anh: Cảnh sát Pháp và Bỉ bắt giữ 26 đối tượng liên quan

 Chiếc xe tải chứa thi thể người Việt. (Ảnh: Splash News)

Ngày 27/5, Văn phòng công tố viên Pháp thông báo giới chức nước này và Bỉ đã bắt giữ 26 đối tượng liên quan vụ tìm thấy thi thể 39 người Việt Nam trong một container đông lạnh ở hạt Essex, Đông Bắc thủ đô London (Anh) hồi tháng 10/2019.

Trong khi đó, các công tố viên Bỉ xác nhận cảnh sát nước này đã bắt giữ 13 đối tượng trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ việc. Cụ thể, những đối tượng này bị bắt giữ trong các chiến dịch truy bắt tại một số khu vực xung quanh thủ đô Brussels. Các đối tượng bị tình nghi điều hành một đường dây buôn người bị cho là đứng sau thảm kịch ở Anh.

Theo tài liệu của cơ quan công tố, chiếc container có 39 người Việt Nam bên trong đã được đối tượng Eamonn Harrison, lái đến cảng Zeebrugge của Bỉ trước khi được đưa lên một chiếc phà tới Anh. Tại Anh, container được đối tượng Maurice Robinson, người vùng Bắc Ireland, đưa đến một khu công nghiệp ở hạt Essex vào sáng sớm 23/10/2019 (giờ Anh) trước khi phát hiện những người bên trong container đều đã tử vong.

Ngoài 2 đối tượng Eamonn Harrison và Maurice Robinson, nghi can Gheorghe Nica, 43 tuổi, người Basildon ở miền Đông nước Anh, cũng đã bị bắt giữ tại sân bay Frankfurt ngày 29/1. Một nghi can khác, 22 tuổi, bị bắt giữ tại Bắc Ireland ngày 2/2 với cáo buộc ngộ sát và tiếp tay cho nhập cư trái phép./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới