Tua du lịch liên tỉnh trên lòng hồ Đà giang

Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nằm trên địa bàn các huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La (tỉnh Sơn La); thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) và huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), có vị trí thuận lợi trên quốc lộ 279, kết nối quốc lộ 6, quốc lộ 32 thông qua các tuyến quốc lộ 6B, đường tỉnh 106. Khí hậu trong lành, hệ thống cảnh quan mặt nước lớn, các đảo, bán đảo, khe vũng ngập nước, sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc, các điểm tham quan nổi bật... là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch.

Du lịch lòng hồ sông Đà hôm nay.

 

Xuất phát từ Hòa Bình, du khách ngược dòng sông Đà đến Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, tham quan một số điểm du lịch và trải nghiệm một số sản phẩm du lịch nổi bật của vùng Tây Bắc. Đó là thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La (thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Chiêm ngưỡng cây cầu kỷ lục Việt Nam - cầu Pá Uôn) và thủy điện Lai Châu. Đồng thời, được trải nghiệm đời sống văn hóa, tập quán sinh hoạt, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực đa dạng và độc đáo của dân tộc thiểu số dọc hai bên bờ sông Đà và các bản lân cận. Ngoài ra, còn được trải nghiệm du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá thiên nhiên và các hoạt động du lịch trên mặt nước như bơi thuyền cai - ắc trên vịnh Ngòi Hoa (Hòa Bình); leo núi khám phá hang bản Bắc (Điện Biên); du thuyền trên sông Đà. Cùng với đó là du lịch tâm linh tại: Đền Thác Bờ (Hòa Bình); Đền Hang Miếng, đền Nàng Han (Sơn La); Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (Lai Châu); được khám phá hang động: Thác Bờ (Hòa Bình); hang Mộ Tạng Mè (Sơn La)...

Có thể nói, vùng hồ sông Đà có tài nguyên du lịch khá phong phú và đa dạng, với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa và các giá trị nhân văn, tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đây sẽ là nơi thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch và thúc đẩy du lịch vùng hồ sông Đà phát triển.

Mục tiêu trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là trở thành động lực phát triển du lịch của tỉnh và trở thành khu du lịch Quốc gia trong tương lai. Phát triển theo hướng du lịch tham quan, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ cuối tuần; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội... Tuy nhiên, để kết nối phát triển du lịch của hệ thống hồ trên sông Đà, các tỉnh khu vực Tây Bắc cần xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của từng khu vực hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu (tỉnh Hòa Bình, Sơn La đã có quy hoạch) để đánh giá tài nguyên du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư cơ sở vật chất và thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch tại các vùng lòng hồ. Quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch như xây dựng hệ thống điện, đường, các bến cảng du lịch tại các khu vực hồ sông Đà, thuận lợi cho khách đi lại và liên kết các tour, tuyến du lịch với các tỉnh; khai thác tài nguyên xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, điểm du lịch văn hóa, sinh thái; đầu tư các dịch vụ vận chuyển khách du lịch chất lượng cao (đặc biệt là các tàu lưu trú du lịch từ hạng 1 đến 5 sao) trên vùng hồ để phục vụ khách du lịch. Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch trên khu vực hồ sông Đà. Do có tiềm năng du lịch tương đối giống nhau nên phối hợp khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch mang sắc thái đặc trưng riêng của từng vùng tạo sự hấp dẫn, không trùng lặp, tránh nhàm chán cho du khách. Xây dựng các tour du lịch liên tỉnh dài ngày đường thủy gắn với đường bộ để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hạn, như mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người làm công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch, các điểm du lịch cộng đồng cũng như các đơn vị vận chuyển khách du lịch. Phối hợp lựa chọn sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của từng tỉnh và sản phẩm du lịch chung của khu vực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước đến với du lịch lòng hồ sông Đà.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước các tỉnh trong công tác chỉ đạo, định hướng và tạo cơ chế chính sách cho các hoạt động phát triển du lịch; có sự liên kết của các tổ chức, đơn vị kinh doanh du lịch trong việc khảo sát, xây dựng sản phẩm.

Nguyễn Vũ Hoài

(Sở VH-TT-DL Sơn La)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới