Tư vấn pháp lý về các tình huống va chạm giao thông

 

1. Câu hỏi tình huống:

Tôi đang di chuyển trên đường nông thôn bằng xe máy, chạy đúng phần đường với tốc độ khoảng 25km/h, tự dưng có cháu bé 3 tuổi chạy ngang đường, do quá gần nên tôi không tránh kịp và đâm vào cháu nhỏ, cháu ngã xây xát trán phải khâu 1 mũi. Gia đình cháu nhỏ đòi bồi thường cao, nếu không sẽ đưa ra pháp luật.

Xin hỏi luật sư, nếu ra pháp luật, tôi mắc lỗi gì và mức bồi thường trong trường hợp này bao nhiêu?

 * Cơ sở pháp lý

- Luật Giao thông đường bộ 2008;

Bộ luật Dân sự 2015.

Trả lời:

Để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này thuộc về ai và bị xử lý như thế nào, trước hết cần xác định được trách nhiệm của các bên:

Về việc xác định trách nhiệm của các bên:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 601, Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 3, Điều 18, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì xe máy là phương tiện giao thông vận tải cơ giới và là nguồn nguy hiểm cao độ.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, khoản 3, Điều 601, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về việc bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; theo đó, đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vẫn phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi.

Xác định mức bồi thường:

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì cháu bé bị xây xát và khâu 1 mũi, vì vậy theo quy định của pháp luật thì cháu bé đã bị thiệt hại về sức khỏe.

Theo đó, ở đây gia đình cháu bé có thể yêu cầu người lái xe bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Để có thể đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, gia đình cần chứng minh các yếu tố sau:

+ Thiệt hại về vật chất, cháu bé bị thương trong trường hợp này có thể được bồi thường các khoản chi phí sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe của cháu bé; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị…

Mức bồi đắp về tinh thần do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu, do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

2. Câu hỏi tình huống:

Tôi tham gia giao thông, bị Cánh sát giao thông đề nghị kiểm tra và nồng độ cồn là 0.087mlg/1lít khí thở. Trước đó, tôi không uống rượu, bia hay nước có ga, nên yêu cầu cảnh sát giao thông cho thổi lại và cảnh sát giao thông không đồng ý; tôi yêu cầu đưa đi xét nghiệm máu, cảnh sát giao thông cũng không cho và lập biên bản yêu cầu tôi ký và tạm giữ phương tiện (ô tô) nhưng tôi không ký. Vậy tôi sai ở đâu, cảnh sát giao thông đúng hay sai?

* Cơ sở pháp lý

- Luật Giao thông đường bộ 2008;

- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

Trả lời:

Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi chưa đủ căn cứ để xác định chính xác ai đúng, ai sai. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn có căn cứ cho rằng cảnh sát giao thông đã vi phạm trong việc xử lí vi phạm hành chính, bạn có thể tiến hành khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trong xử lí hành chính theo quy định tại Điều 15, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

“Điều 15. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính.

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.”

3. Câu hỏi tình huống:

Tôi tham gia giao thông bằng ô tô và bị Cảnh sát giao thông lập biên bản vì lỗi dừng xe không đúng quy định; khi xuất trình giấy tờ xe ô tô, tôi đưa nhầm đăng ký xe máy nhưng Cảnh sát giao thông không nhận ra và ghi biển số xe máy vào biên bản. Vậy luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này phía Cảnh sát giao thông mắc sai phạm và bị xử lý như thế nào và tôi nên làm gì?

* Cơ sở pháp lý

- Luật Giao thông đường bộ 2008

- Luật Khiếu nại 2011;

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 7, Luật Khiếu nại 2011

“1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.

Và căn cứ theo Điều 8 Luật này thì hình thức khiếu nại như sau:

1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp, thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản; trong đó, ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Nếu cảm thấy biên bản xử phạt vi phạm hành chính mà cảnh sát giao thông đã ghi nhầm biển số xe ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân thì có quyền khiếu nại đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc bởi trong trường hợp này, hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế và bạn đã đồng ý với quyết định đó thông qua việc ký tên vào biên bản. Hơn nữa một phần lỗi cũng thuộc về phía bạn khi đưa nhầm đăng ký xe máy của mình.

Tòng Minh (Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới