Tự hào người chiến sỹ được tham gia bảo vệ Bác năm xưa

60 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm Yên Châu, ngày 8/5/1959, Người đã để lại những tình cảm thiêng liêng, lời dạy bảo ân cần và tấm lòng yêu thương vô bờ bến với đồng bào các dân tộc Yên Châu. Khoảnh khắc lịch sử ấy trở thành một dấu ấn không thể nào quên của người dân Yên Châu.

 

Ông Quàng Văn Mủa chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Theo lời giới thiệu Ban Tuyên giáo huyện ủy Yên Châu, chúng tôi đến thăm ông Quàng Văn Mủa, sinh năm 1935 ở bản Sai, xã Sặp Vạt, người vinh dự được đứng bảo vệ Bác Hồ tại sân bản Khoóng, xã Chiềng An (nay là tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu) vào năm 1959. Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng những hồi ức về lần gặp Bác Hồ vẫn in đậm trong tâm trí người lính năm xưa. Đối với ông, được gặp Bác, được tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Người là niềm vinh dự, tự hào nhất trong cuộc đời của ông.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Sặp Vạt (Yên Châu), cũng như bao chàng trai, cô gái khác lớn lên trong thời kỳ đất nước chiến tranh, lòng căm thù quân giặc, vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Quàng Văn Mủa đã tham gia vào dân quân trực chiến của xã để cùng với bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hồi tưởng lại ký ức được gặp Bác, ông xúc động kể: Tối ngày 7/5/1959, tôi cùng các đồng chí trong trung đội nhận được thông báo sáng ngày mai sẽ có đoàn khách cấp cao tới thăm nên phải chuẩn bị đến sớm để bảo vệ. Chúng tôi ai cũng tò mò, không biết được đón đoàn cán bộ cấp cao nào, suốt đêm thao thức không ngủ được để chuẩn bị quân tư trang. Ngày hôm sau, tôi được phân đứng cách bậc thang lên sân khấu chừng 2 mét. Thế rồi khoảng 8 giờ, đoàn xe của đoàn khách cấp cao tới, ngay lúc đó tiếng một cán bộ hô lên “Hồ Chủ tịch muôn năm” và tất cả nhân dân cũng đồng thanh hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Lúc bấy giờ, chúng tôi mới biết Bác Hồ đến thăm. Bác mỉm cười, rồi vẫy tay chào, ân cần hỏi han mọi người. Tôi hết sức bất ngờ khi Bác quay sang, vỗ vai, rồi bắt tay tôi, nhắn nhủ: “Chú bộ đội cố gắng nhé”. Tôi xúc động trào nước mắt mà không nói được lời nào. Rồi Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu. Bác nói, Đảng, Chính phủ và Bác rất khen ngợi đồng bào Yên Châu trong kháng chiến đã tổ chức đánh Tây rất tốt, giúp bộ đội, cán bộ đánh Tây, giải phóng Điện Biên. Đặc biệt, đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ nhưng trong kháng chiến rất anh dũng. Hòa bình lập lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội đoàn kết, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất...

Ông Mủa xúc động chia sẻ: Được gặp Bác Hồ là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi. Bao lâu nay chỉ được nghe tiếng Bác nói trên đài, được nhìn thấy Bác qua những tấm ảnh chứ chưa bao giờ được nhìn thấy Bác ở ngoài đời nên khi được nhìn thấy Người bằng da bằng thịt, tôi vô cùng bất ngờ và hạnh phúc, không thể diễn tả bằng lời...

Tuy chỉ được gặp Bác một lần, nhưng trong giờ phút được làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Bác, điều mà người cảnh vệ Quàng Văn Mủa nhớ nhất đó là sự bình dị, gần gũi của Vị Cha già dân tộc, không hề có khoảng cách giữa một vị lãnh tụ của đất nước với người dân. Bác quan tâm, ân cần hỏi han, động viên từ người già, con trẻ, đến người lính cảnh vệ như ông. Đến tận bây giờ, hình ảnh và lời nhắn nhủ của Bác vẫn mãi được ông khắc ghi trong tâm trí.

Trải qua nhiều cương vị công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nà Đít (xã Chiềng On) rồi Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Châu, năm 1983, ông được về nghỉ hưu tại địa phương. Dù ở đâu với cương vị nào, hình ảnh và lời dạy của Bác Hồ luôn là động lực, nguồn động viên to lớn để ông cố gắng công tác, phấn đấu phục vụ cách mạng và xây dựng quê hương. Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, ông không chỉ là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, mà còn là tấm gương sáng về mọi mặt để người dân trong bản, trong xã noi theo. Nhiều năm nay, ông được nhân dân tin tưởng bầu giữ chức Trưởng bản, cùng với các đoàn thể tích cực tuyên truyền bà con hiến đất, làm đường, thực hiện nhiều phong trào thi đua. Hiện, tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút hơn nhưng sự nhiệt tình, trách nhiệm và những việc làm có ý nghĩa của ông đều được bà con ghi nhận và đánh giá cao. Với những thành tích đạt được, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp tặng thưởng...

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới