Trồng cây ăn quả trên đất dốc - Hướng đi bền vững của nông nghiệp Sơn La: Kỳ III: Thương hiệu nông sản Sơn La an toàn

Việc diện tích cây ăn quả tăng lên, sản lượng tăng gấp nhiều trong những năm tới, để tránh việc phải “giải cứu” các sản phẩm nông sản như một số địa phương khác đã vấp phải, ngay từ khi đề ra chủ trương, ban hành chính sách, tỉnh Sơn La đã đặc biệt quan tâm đến “đầu ra”của sản phẩm, nhất là việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh nông sản Sơn La an toàn, đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Xay Sổm Bun (nước CHDCND Lào)

thăm mô hình trồng xoài của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn).

Công tác tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2018 luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy. Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành kết luận về đẩy mạnh tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu; thành lập Ban Chỉ đạo về chế biến, tiêu thụ xuất khẩu (Ban Chỉ đạo 598), Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, HTX thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Ban Chỉ đạo 598 đã thành lập các tổ công tác trực tiếp triển khai, chỉ đạo điều hành quyết liệt, thường xuyên; phối hợp chặt chẽ với các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; các ngành và các cơ sở sản xuất, thu gom, xuất khẩu, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, công tác tiêu thụ, xuất khẩu xoài, nhãn niên vụ 2018, đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ tạo điều kiện từ các tỉnh bạn, như: Lào Cai, Lạng Sơn, thành phố Hà Nội... sự nỗ lực của các doanh nghiệp, HTX, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng, Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng, Công ty TNHH Agricare, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu GreePath... Các ngành, các huyện đã chủ động tham gia tích cực thực hiện kế hoạch được giao. Tổ chức phân công cán bộ chuyên trách phối hợp với các HTX sản xuất và các doanh nghiệp thu gom xuất khẩu.

 

Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

 

Năm 2018, “chiến dịch” tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn của Sơn La được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Với việc tổ chức 9 chương trình, sự kiện lớn nhằm quảng bá, giới thiệu đã tạo sức lan tỏa, thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và thu hút nhiều nhà đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá về nông sản an toàn Sơn La trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; các trang website của các sở, ngành của tỉnh như:  nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, trung tâm xúc tiến đầu tư... Kết quả, Sơn La đã ký kết hợp tác với thành phố Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tập đoàn lớn nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tổ chức các đợt quảng bá, xúc tiến thương mại, trưng bày những gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đặc biệt là thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết xuất khẩu nông sản cho từng loại sản phẩm có số lượng lớn, như xoài, nhãn...

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Cuộc họp đầu tiên triển khai nhiệm vụ năm 2018 là hội nghị chuyên đề bàn về công tác xuất khẩu. Tỉnh đã tổ chức gặp mặt 600 hộ nông dân sản xuất tiêu biểu có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên đã tạo “cú hích”, quyết tâm chính trị, nhằm thay đổi nhận thức và tổ chức sản xuất đối với nông dân Sơn La. Đáng chú ý là hoạt động xúc tiến thương mại tại Bằng Tường (Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng bán 1.400 tấn nhãn, 2.100 tấn xoài. Ông Trung nói vui: “Sơn La bây giờ đã biết đi chợ và biết đi chợ xa, bước chân vào sân chơi quốc tế”.

Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh, suốt mấy tháng trời từng ra Bắc vào Nam, sang Trung Quốc mang những trái xoài, nhãn đi quảng bá, tìm kiếm đối tác; trở về địa phương sau mỗi đơn hàng xuất khẩu, ông lại cùng đoàn công tác từ Thành phố xuống các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mường La từ 4, 5 giờ sáng để giám sát, hướng dẫn hộ dân thu hái, đóng gói sản phẩm đảm bảo đúng quy trình, chất lượng; để kịp hàng cho những chuyến công-ten-nơ chở đi xuất khẩu, ông và nhiều cán bộ của tỉnh, huyện và các xã trực tiếp vào vườn cùng người dân thu hái xoài, trưa cùng nhau ăn vội bát mì tôm chay để tranh thủ thời gian đóng hàng giao cho đối tác. Đó là những gì tai nghe, mắt thấy về một phần những cố gắng, nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trong hành trình đưa quả xoài của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018.

 

Có thể thấy,  công tác xuất khẩu nông sản năm 2018 được chỉ đạo rất bài bản, chặt chẽ từ khâu sản xuất, công nhận các chứng nhận bảo hộ và chỉ đạo kỹ thuật canh tác đến tận cơ sở để duy trì chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, chất lượng mẫu mã hàng, quy trình tổ chức xuất khẩu được thực hiện chặt chẽ, nên kế hoạch tiêu thụ các loại nông sản của tỉnh khá thuận lợi. Sản phẩm xoài đạt 3.500 tấn, xuất khẩu sang thị trường Úc, Dubai, Trung Quốc, Nhật Bản, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,75 triệu USD, tăng gấp 10,9 lần so với kế hoạch năm 2017. Sản phẩm nhãn ước đạt trên 5.000 tấn, xuất sang thị trường Đu Bai, Trung Quốc, giá trị đạt 2,74 triệu USD. Sản phẩm chanh leo 1.474 tấn xuất khẩu sang EU (Pháp), Trung Quốc, giá trị ước đạt 1,48 triệu USD. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm nông sản khác xuất khẩu đạt giá trị cao như: chuối, thanh long ruột đỏ... Giá trị hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh đến giữa tháng 9 đã đạt gần 93 triệu USD, tăng gấp 7 lần so với năm  2017. Và lần đầu tiên giá trị xuất khẩu nông sản Sơn La dần cán đích trên 116 triệu USD theo mục tiêu đề ra trong năm nay.

Để tiếp sức cho những thành công, ngày 4/4/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 76/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 và Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về Đề án Phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh trồng 100.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó: Sơn tra 27.800 ha, cây ăn quả khác 72.200 ha, sản lượng quả khoảng trên 1,1 triệu tấn. Giá trị sản xuất quả các loại tăng từ 6% đến 8%/năm, đưa tỷ trọng giá trị quả trong ngành trồng trọt chiếm trên 40%; giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc áp dụng các tiêu chuẩn tương tự trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, hình thành một số loại cây ăn quả cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh; đảm bảo nguyên liệu cho hai nhà máy chế biến quả đạt 100.000 tấn quả tươi/năm; sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu trên 3.000 tấn/năm ra thị trường nước ngoài.

 

Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhãn an toàn Sơn La tại Hà Nội thu hút đông đảo người dân tới thăm quan, mua sắm.

 

Sau 3 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại một diện mạo mới cho nông nghiệp tỉnh nhà. Giờ đây, về Mai Sơn, xuống Yên Châu, Mộc Châu vào Sông Mã, Mường La hay lên tận xã vùng cao của Co Mạ (Thuận Châu), Phù Yên, Bắc Yên, đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh, những câu chuyện kể về những nông dân thoát nghèo, giàu lên từ mô hình trồng cây ăn quả, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Những chuyến thăm quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm hay về trồng cây ăn quả là câu chuyện đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ của người dân từ các bản, tiểu khu, của cấp ủy, chính quyền địa phương từ xã lên đến huyện và tỉnh. Với cách làm bài bản, khoa học mà tỉnh đang triển khai, chúng tôi tin rằng những “mùa vàng” nông sản sẽ về với nông dân Sơn La.

Huy Ngoan - Minh Thu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới