Trồng cây ăn quả trên đất dốc - Hướng đi bền vững của nông nghiệp Sơn La: Kỳ II: Điểm tựa thúc đẩy sản xuất bền vững

Với trên 360.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nhân lực dồi dào là điều kiện thuận lợi để tỉnh Sơn La phát triển vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Lời giải cho bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đã mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Đại diện các doanh nghiệp, HTX của tỉnh ký biên bản hợp tác với các doanh nghiệp tại Hà Nội, Điện Biên. 

Trở lại với câu chuyện tìm lời giải cho “Bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất dốc”, trước khi quyết định chủ trương này đã có nhiều cuộc khảo sát, đề án chuyển đổi liên tục được bàn thảo, những cuộc hội thảo từ phòng họp ra đến tận nương rẫy và những chuyến thăm quan học tập các mô hình kinh tế ở các địa phương được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trực tiếp tham gia. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, những tính toán khoa học và kinh nghiệm học tập được, ngày 30/11/2015, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 121-TB/TU về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Cùng với đó, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động được nguồn lực trong xã hội thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao giá trị trong sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản. Nhiều nghị quyết được ban hành, như: Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 80 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021...

Chủ trương thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc (ngô, sắn, lúa) sang trồng cây ăn quả đến 2020 của tỉnh ta, với quan điểm: Xác định trồng cây ăn quả trên đất dốc là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và góp phần đảm bảo môi trường sinh thái; từng bước giảm vững chắc diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc. Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo đồng bộ, tập trung và trọng tâm, trọng điểm với quy mô hợp lý; lấy sản xuất hàng hóa là mục tiêu gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 100.000 ha cây ăn quả (tăng gấp đôi hiện nay), sản lượng quả đạt trên 1,1 triệu tấn.

Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc giới thiệu sản phẩm chanh leo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP

của Mộc Châu ở Tuần hàng nông nghiệp tại Pháp, Thụy Sỹ.

Để hiện thực hóa chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất đồi hiện đang canh tác cây lượng thực, các cây công nghiệp hiệu quả thấp để quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Rà soát để tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ và thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả. Tổ chức đánh giá các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, tổ chức làm điểm tại một số xã của các huyện: Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Mộc Châu. Hoàn thiện quy trình, hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cây lương thực trên đất dốc, cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả theo sát tình hình thực tiễn địa phương; trong đó đảm bảo có lộ trình phù hợp, thay thế bền vững các cây trồng được chuyển đổi, nhất là về hiệu quả kinh tế. Ban hành quy định về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng, đặc biệt đối với nguồn giống cây ghép và cây nuôi cấy mô theo đúng các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng giao các ngành Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ triển khai các nhiệm vụ, như: Làm việc với các nhà đầu tư có thế mạnh trong việc chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây ăn quả; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, thực hiện chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc; trọng tâm vào các khâu hỗ trợ về giống, bảo quản, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu trình tỉnh ban hành cơ chế tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa, liên doanh, liên kết, góp giá trị quyền sử dụng đất... hình thành diện tích đất đai đủ lớn phát triển vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung; đẩy nhanh việc xây dựng chỉ dẫn địa lý các cây ăn quả chủ lực của tỉnh; rà soát lại định hướng các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông lâm nghiệp theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông lâm nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tại các địa phương, ban thường vụ huyện ủy, thành ủy chỉ đạo UBND các huyện, thành phố: Rà soát cụ thể diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc, cây công nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có trọng điểm và lộ trình phù hợp với diện tích hợp lý; phối hợp với các ngành của tỉnh đề xuất chủ trương, chính sách triển khai thực hiện. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các loại cây trồng để tập trung hỗ trợ đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân, đầu tư phát triển các vùng cây ăn quả trên địa bàn, thực hiện việc bao tiêu sản phẩm. Chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn thành lập HTX theo Luật để làm đầu mối liên kết sản xuất, hỗ trợ hộ gia đình trong trồng cây ăn quả. Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình sản xuất VietGAP, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm gắn với chủ trương phát triển cây ăn quả của tỉnh.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo nghị quyết HĐND tỉnh đã được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành kịp thời đã góp phần tạo lòng tin, đồng thuận tham gia vào chương trình của doanh nghiệp, HTX, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, làm thay đổi phương thức sản xuất của một bộ phận người dân từ sản xuất nhỏ, manh mún dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Trong đó, với chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ tiền mua giống cây, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp hàng chục doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX và các thành viên HTX đầu tư chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn an toàn.

Ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, thông tin: Từ năm 2016 đến nay, huyện Mộc Châu đã chuyển khoảng 3.000 ha đất trồng cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả gồm: Chanh leo, hồng giòn, bơ, các loại cây ăn quả có múi và một số loại cây ăn quả khác, trong đó phát triển mạnh cây chanh leo. Một số loại cây ăn quả đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc và đưa giống mới năng suất vào thay thế, trong đó giống bơ kim cương của Mỹ đã được lai ghép tại Mộc Châu. Hiện, toàn huyện có gần 7.400 ha cây ăn quả, trong đó 3.659 ha cho thu hoạch, đến ngày 15/8/2018, sản lượng quả thu hoạch đạt gần 25.000 tấn. Trong đó, có trên 180 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, gồm: 97 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; 83 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, gần 1,7 ha dâu tây sản xuất trong nhà lưới.

Với chiến lược lâu dài phát triển vùng cây ăn quả, ông Chính, cho biết thêm: Mộc Châu khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với diện tích lớn, sử dụng công nghệ tưới ẩm của israel và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vào trồng mận, dâu tây, hồng giòn, bơ... Ngoài chính sách của tỉnh, huyện Mộc Châu thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân một phần kinh phí xây dựng nhà lưới, hỗ trợ sử dụng công nghệ tiên tiến trong trồng, chăm sóc cây ăn quả từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện. Ngoài ra, Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp của huyện hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân, đảm bảo nông dân tiếp cận được các công nghệ mới, sử dụng các thiết bị, máy móc vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản và xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút đầu tư.

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự tạo sức bật lớn cho ngành nông nghiệp, bức tranh nông nghiệp khởi sắc từng ngày. Đến nay, toàn tỉnh có trên 49.000 ha cây ăn quả, tăng 22.400 ha so với năm 2016, sản lượng quả niên vụ 2018 ước đạt 290.000 tấn. Nhiều loại cây trong số này có giá trị kinh tế cao, như: Cây nhãn với diện tích gần 13.000 ha, sản lượng 62.000 tấn; xoài 9.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn… tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, duy trì phát triển sản xuất 27 chuỗi quả an toàn, diện tích trên 575 ha, sản lượng đạt trên 6.700 tấn cung cấp cho hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà hàng trong tỉnh và các siêu thị tại Hà Nội như: Fivimart, Metro, Vinmart… Cùng với đó, tại một số huyện tổ chức sản xuất theo quy trình đã được Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, cấp 17 mã số vùng trồng xoài, nhãn để xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ với diện tích gần 160 ha; chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) để xuất khẩu sang thị trường Pháp, Úc, Mỹ; quả xoài tròn Yên Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu chứng nhận cho quả nhãn Sông Mã, sản phẩm quả cam Mường Thải (Phù Yên), sản phẩm bơ Mộc Châu và Na của Mai Sơn và táo sơn tra Sơn La; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chuối Yên Châu, mận Sơn La, chanh leo Sơn La.

Những chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh đã thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 107 doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả; thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh ta. Năm 2017, có tới 5 nhà máy chế biến nông sản được khởi công, xây dựng; trong đó có 2 nhà máy chế biến quả, gồm: Nhà máy chế biến rau, quả và chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Khu công nghiệp Bó Bun, xã Đông Sang (Mộc Châu), có công xuất 120 tấn quả/ngày; Nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao Tập đoàn TH, bản Co Chàm, xã Lóng Luông (Vân Hồ), có công suất chế biến 160 tấn quả/ngày. Đây là tín hiệu vui thể hiện sức hút lớn thị trường nông sản Sơn La, tạo lòng tin, đồng thuận tham gia vào chương trình của doanh nghiệp, HTX, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần hiện thực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

(còn nữa)

Huy Ngoan - Minh Thu

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới