Triển vọng mô hình trồng gừng trâu

Tháng 2/2021, Công ty TNHH một thành viên 2368 huyện Thuận Châu và Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La triển khai thử nghiệm mô hình trồng gừng trâu tại bản Co Nhừ, xã Long Hẹ. Mô hình được đánh giá cao để nhân rộng.

Mô hình trồng gừng trâu tại xã Long Hẹ.

 

Sau hơn 2 giờ đồng hồ từ trung tâm thị trấn Thuận Châu, chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa bản Co Nhừ, xã Long Hẹ dự tổng kết mô hình trồng gừng trâu. Bà Đinh Thị Hoài Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thông tin: Mô hình trồng gừng trâu được triển khai tại bản Co Nhừ với diện tích 3 ha, thu hút 9 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1.300 kg củ giống gừng trâu, 1.560 kg phân NPK, được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại. Tổng kinh phí trên 191 triệu đồng, trong đó hỗ trợ từ Nhà nước trên 135 triệu đồng, nhân dân đóng góp trên 56 triệu đồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu đã ký kết bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH một thành viên 2368 huyện Thuận Châu, Công ty cổ phần nông sản sạch Sơn La.

Gừng trâu đưa vào trồng tại bản Co Nhừ là giống cho năng suất cao, trồng lấy củ làm gia vị, làm mứt, kẹo, rượu và làm thuốc, chưng cất tinh dầu. Củ gừng tùy theo mục đích sử dụng có thể dùng tươi, khô hoặc qua chế biến. Thân, rễ già khi khô cũng là một loại dược liệu trong đông y, dùng làm thuốc giải cảm, giải độc, trị ho và chứng đầy hơi, đau bụng. Gừng trâu dễ chăm sóc, có khả năng giữ ẩm, chống xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả. Năng suất đạt 18-20 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 126-140 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Thào A Hứ, một trong những người tham gia mô hình trồng gừng trâu tại bản Co Nhừ, vui mừng, nói: Gia đình tôi đã chuyển 0,5ha đất ruộng nương sang trồng thử nghiệm gừng trâu. Sau 9 tháng trồng, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thu được 10 tấn gừng trâu, trừ chi phí đã thu về hơn 30 triệu đồng. Năm tới, tôi sẽ vận động người nhà, các hộ trong bản trồng diện tích gừng để nâng cao thu nhập.

Gia đình anh Tòng Văn Hồng trong bản cũng chuyển 0,5ha lúa sang trồng gừng. Anh Hồng, bảo: So với trồng lúa nương, trồng gừng theo phương pháp hữu cơ hiệu quả, năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Giống gừng đưa vào trồng tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, chịu rét và giảm thiểu dùng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, tham gia trồng gừng có Công ty đến ký kết bao tiêu đầu ra ổn định, nên gia đình rất yên tâm. Năm 2022, tôi sẽ tiếp tục chuyển 1ha đất ngô, sắn sang trồng gừng.

Là đơn vị ký kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân, ông Vũ Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần nông sản sạch Sơn La, nói: Sau 9 tháng, bà con bản Co Nhừ đưa gừng trâu vào trồng, chăm sóc, thu hoạch, nhận thấy chất lượng, mẫu mã gừng rất đẹp, năng suất đạt 18-20 tấn/ha. Hiện nay, chúng tôi đang ký hợp đồng giá bảo hiểm cho bà con là 7.000 đồng/kg, còn thực tế đang thu mua cho bà con giá 13.000 đồng/kg. Dự kiến năm tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia, mở rộng diện tích trồng lên 20ha tại các bản của xã vùng cao.

Đánh giá hiệu quả mô hình trồng gừng trâu, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Mô hình trồng gừng trâu rất có triển vọng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân các xã vùng cao mở rộng diện tích thâm canh gừng trâu. Đồng thời, triển khai thêm mô hình trồng cây khôi nhung, cây sâm bách bộ... tạo điều kiện thuận lợi cho bà con các xã vùng cao phát triển kinh tế.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới