Tín hiệu vui từ công tác xã hội hóa giáo dục

Năm học 2021-2022, mức huy động xã hội hóa ở các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh cao hơn so với các năm học trước. Công tác xã hội hóa giáo dục tạo điều kiện thúc đẩy học tập, hoàn thành các tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.

Phụ huynh đồng hành cùng nhà trường

Ngay từ đầu năm học, các huyện, thành phố đã huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường; hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều giáo viên, nhân viên và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hoạt động hỗ trợ khuyến khích học tập, tiếp sức mùa thi, hỗ trợ phòng chống dịch được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ.

Giờ ra chơi của các bé Trường Mầm non Ánh Sao, huyện Mộc Châu. 

Tổng nguồn kinh phí được hỗ trợ, ủng hộ trong năm đạt hơn 43 tỷ 176 triệu đồng, cao hơn so với năm học 2019-2020 là 6 tỷ 441 triệu đồng. Các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục như: Phòng GD&ĐT Yên Châu, Bắc Yên, Mường La; Sông Mã…; các Trường THPT Mộc Lỵ, Mường La, Thảo Nguyên, Tông Lệnh, Bình Thuận, Chu Văn Thịnh, Tân Lang, PTDT Nội trú Bắc Yên... Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, công tác hỗ trợ cho học sinh lớp 12 từ các tổ chức, cá nhân đạt 1 tỷ 357 triệu đồng.

           

Các đơn vị giáo dục, trường học đã xây dựng kế hoạch về công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các nhà trường chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển giáo dục. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm thân thiện.

Tiêu biểu như: Trường PTDT Nội trú Bắc Yên, công tác xã hội hóa được thực hiện để hỗ trợ hoạt động khoa học kỹ thuật, khen thưởng học sinh khá giỏi, văn hóa văn nghệ, trang trí lớp, phòng chống dịch với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng. Trường THPT Tông Lệnh (Thuận Châu) trao học bổng và quà tết, tiếp sức mùa thi với tổng trị giá  hơn 60 triệu đồng. Trường THPT Thảo Nguyên (Mộc Châu) thành lập quỹ khuyến học, trao học bổng cho 3 học sinh xuất sắc với tổng trị giá 33 triệu đồng. Trường THPT Mường La từ nguồn xã hội hóa đã lắp đặt máy Projector, lắp 58 rèm cửa, bê tông hóa sân trường, thiết bị thể thao với tổng trị giá hơn 492 triệu đồng. Trường THPT Mộc Lỵ (Mộc Châu) thực hiện khen thưởng học sinh khá giỏi, ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, hỗ trợ các cuộc thi với số tiền gần 300 triệu đồng…

Ở nhiều trường học, khi mua sắm trang thiết bị, sửa chữa đã có nhiều phụ huynh không chỉ sẵn sàng ủng hộ vật chất, mà còn tham gia giám sát kỹ thuật. Anh Nguyễn Quang Thái, phụ huynh học sinh Trường THPT Thảo Nguyên (Mộc Châu) chia sẻ: Chúng tôi luôn chủ động đóng góp hỗ trợ trường về kinh phí để thực hiện cải tạo cơ sở vật chất đã xuống cấp, tặng quà cho học sinh khó khăn, cùng một số hoạt động ngoại khóa khác. Những phụ huynh có kiến thức kỹ thuật về chuyên môn còn tư vấn cho nhà trường về bản vẽ, giám sát các hạng mục thi công để công trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Phát triển các trường ngoài công lập

Một trong những điểm nổi bật công tác xã hội hóa giáo dục chính là sự phát triển nhanh của các trường ngoài công lập. Theo đó, học sinh với những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau sẽ có sự lựa chọn cơ hội học tập, chăm sóc và rèn luyện. Toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở GDMN ngoài công lập, trong đó có 15 trường mầm non tư thục và 32 nhóm trẻ độc lập tư thục, chiếm 5,7% (tăng 1 trường mầm non, 4 nhóm trẻ độc lập tư thục so với năm học trước). Tổng kinh phí huy động từ xã hội hóa giáo dục đầu tư cho giáo dục mầm non, tiểu học và trường quốc tế năm học 2020-2021 đạt 173,7 tỷ đồng. Sự phát triển của các trường ngoài công lập góp phần giảm tải cho các trường công trên địa bàn toàn tỉnh khi số học sinh hằng năm tăng nhanh.

Cơ sở hạ tầng của Trường Mầm non Ngọc Linh, thành phố Sơn La được xây dựng khang trang.

Chị Phạm Minh Nguyệt, tổ 14, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La chia sẻ: Hiện các cơ sở giáo dục ngoài công lập được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, các trường phổ thông, cơ sở mầm non có nhiều dịch vụ phù hợp, phụ huynh chúng tôi rất yên tâm khi gửi con em tại các cơ sở giáo dục này.

Ngoài việc góp phần mở rộng quy mô và điều kiện học tập cho học sinh, các trường ngoài công lập còn có những thế mạnh như tự quyết định mức học phí, thù lao giáo viên thỏa đáng để thúc đẩy nâng cao chất lượng chuyên môn và chọn lựa giáo viên giỏi cho nhà trường. Chị Tạ Thị Lâm, Chủ đầu tư Nhóm trẻ Happy house (Mộc Châu) cho biết: Trước kia gia đình làm kinh doanh, thấy nhiều gia đình nhu cầu về trông trẻ nên đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để thuê trụ sở và mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị. Hiện nhóm trẻ đang có 45 học sinh ở các nhóm tuổi  theo học với mức học phí 1,5 triệu đồng/người/tháng; tiền học năng khiếu, tiếng Anh đóng thêm 500 nghìn/người/tháng. Có 9 giáo viên trông trẻ với mức lương từ 4 triệu đồng/tháng trở lên, mức thưởng tùy theo thu nhập tháng của chủ đầu tư.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng những giải pháp để phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, trong đó về quy hoạch, thu hút đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh có cơ chế cho các trường tư thục được giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học; UBND các huyện/thành phố tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp mở thêm các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục chất lượng cao, đảm bảo cho một bộ phận dân cư có mức sống cao, trẻ được thụ hưởng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt hơn.

Giờ học vẽ của các bé Nhóm trẻ Happy house, huyện Mộc Châu

           

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin: Sở đang tham mưu triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Công tác xã hội hóa giáo dục sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trong đó các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp.

Việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục ở các huyện, thành phố trong tỉnh đang có những tín hiệu tích cực. Hệ thống các trường ngoài công lập không ngừng phát triển về số lượng, quy mô và chất lượng, từng bước xây dựng được uy tín và thương hiệu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, tạo sự tin tưởng và đồng thuận xã hội.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới