Tìm đầu ra cho nông sản trước tác động của dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, mà hệ lụy kéo theo là những tác động tiêu cực đến các hoạt động giao dịch hàng hóa, nhất là nông sản. Tại tỉnh ta, các sở, ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, chế biến trong nước và chỉ đạo cân đối sản xuất để tránh thiệt hại cho nhà sản xuất và nông dân.

 

 

Sản phẩm chuối của nông dân xã Mường Bú hiện chỉ còn tiêu thụ trong nước.

 

Gia đình anh Lò Văn Bùi, bản Cứp, xã Mường Bú (Mường La) trồng gần 8 ha chuối, sản lượng ước tính đạt 12 tấn/ha. Hiện, nương chuối của gia đình anh bước vào giai đoạn cho thu hoạch, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng tấn chuối vẫn nguyên trên cây không thể tiêu thụ được, khiến anh đứng ngồi không yên. Theo anh Bùi, mọi năm vào thời điểm này, thương lái đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 5.000-7.000 đồng/kg, thời điểm trước Tết Nguyên đán thương lái mua với giá 8.000 đồng/kg; nhưng nay, chuối rớt giá chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg mà không có người mua. Trường hợp của gia đình anh Bùi cũng là tình trạng chung mà nhiều hộ trồng chuối tại xã Mường Bú đang gặp phải, đành ngậm ngùi nhìn thành quả chăm sóc của mình bao lâu chín rụng, không tiêu thụ được.

 

Chị Phạm Thị Thúy, hộ kinh doanh tại huyện Mường La đã gần 10 năm thu mua nông sản xuất sang thị trường Trung Quốc cho biết: Chưa năm nào tình hình buôn bán lại khó khăn như hiện nay. Hiện, hoạt động thu mua nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hầu như tê liệt. Việc xuất khẩu đi các thị trường khác cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá nông sản giảm nhưng chúng tôi cũng không dám mua vào vì không còn đơn hàng xuất khẩu. Nếu như cùng kỳ năm trước, thời điểm sau Tết Nguyên đán, thị trường Trung Quốc tiêu thụ chuối quả mạnh nhất, cứ 2 ngày, chúng tôi lại xuất đi 50 tấn chuối, thì hiện nay, cả tuần mới thu gom 1 chuyến từ 5-7 tấn để xuất bán đi Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An...

 

Tỉnh ta hiện có 10 mặt hàng nông sản chính tham gia xuất khẩu, gồm 6 mặt hàng quả (xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận, chuối) và 4 mặt hàng nông sản chế biến (đường, cà phê, chè, tinh bột sắn). Thời điểm này, có 5 sản phẩm đang xuất bán gồm: đường, tinh bột sắn, chè, cà phê và quả chuối. Trong đó, có 2 mặt hàng chính bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là tinh bột sắn và chuối. Năm nay, sản lượng chuối toàn tỉnh khoảng 54.700 tấn, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản phẩm quả chuối hầu như chưa xuất khẩu được mà chủ yếu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Đối với sản phẩm tinh bột sắn, năm 2019, các nhà máy tinh bột sắn của tỉnh sản xuất khoảng 60.000 tấn, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc tạm dừng hoạt động mua bán, xuất khẩu qua một số cửa khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn của các doanh nghiệp trong tỉnh. Hiện nay, Sơn La có 2 doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn với trên 10.000 tấn tinh bột sắn đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ.

 

Hiện nay, các sản phẩm nông sản của tỉnh đang chuẩn bị đến vụ thu hoạch, gồm 47.300 tấn xoài, trong đó, số lượng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên 7.000 tấn; gần 85.300 tấn nhãn, trong đó xuất khẩu khoảng 7.900 tấn; trên 1.000 tấn thanh long; 21.600 tấn chanh leo, trong đó 2.300 tấn phục vụ xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc); gần 67.000 tấn mận, mơ, trong đó xuất khẩu khoảng 19.000 tấn sang thị trường Trung Quốc và Campuchia. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường quan trọng tiêu thụ nông sản của tỉnh, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua của thị trường này giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của tỉnh ta. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ xuất khẩu nông sản, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương điều chỉnh cơ cấu sản xuất, thời vụ. Đánh giá, rà soát về sản lượng những nông sản chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc để có giải pháp ứng phó trong thời gian sắp tới. Sở Công Thương kịp thời cập nhật, thông tin cho các doanh nghiệp, HTX về diễn biến, tình hình hoạt động xuất khẩu, thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc để các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Kết nối đưa các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ tại các khu công nghiệp, các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà hàng tại các địa phương trong cả nước..., đồng thời, tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, như các tuần hàng nông sản an toàn Sơn La tại các thị trường trên. Đối với các sản phẩm chuẩn bị tới thời vụ thu hoạch như chanh leo, mận, xoài, chủ động làm việc với các đối tác truyền thống, như Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao, Công ty Nafood Tây Bắc, các siêu thị, các tỉnh, thành phố có thị trường tiêu thụ lớn để trao đổi, thỏa thuận kế hoạch thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động của các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát triển các mô hình sơ chế, sấy khô, sấy dẻo các sản phẩm quả để tăng thời gian dự trữ, bảo quản cũng như giá trị sản phẩm; tìm hiểu, khảo sát thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm của tỉnh.

 

Việc tìm đầu ra, tổ chức các kênh phân phối và lưu thông nông sản đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ thiết yếu nhất đặt ra cho ngành nông nghiệp của tỉnh ta. Đây cũng là bài học để nông dân quyết tâm thay đổi thói quen, chuyển sang sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khác.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới