Tiêm phòng dại cho chó, mèo là trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ vật nuôi

Bệnh dại là bệnh lây truyền chung giữa động vật và người, do vi rút dại gây ra. Nguồn bệnh chủ yếu là chó (trên 90%) và mèo nuôi. Để ngăn ngừa bệnh dại, việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi là biện pháp cần thiết và hữu hiệu.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố tiêm vắc xin phòng dại cho chó tại tổ 9, phường Quyết Thắng.

Tuy nhiên, do tập quán, thói quen cũng như sự hiểu biết hạn chế của các hộ dân nên tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đạt chưa cao, dẫn đến việc phòng ngừa bệnh dại cho tới thời điểm này vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Nguy hại hơn cả là không ít trường hợp người dân mắc bệnh dại do lây truyền từ động vật (chủ yếu từ chó, mèo). Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã ghi nhận 66 trường hợp tử vong do mắc bệnh dại.

Nhận rõ tính quan trọng và cấp thiết của việc phòng, chống bệnh dại từ đàn vật nuôi, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp &PTNT tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống, khống chế bệnh dại trên động vật. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng điều tra ổ dịch khi có thông tin trên địa bàn có người chết do lên cơn dại hoặc có nhiều người đi tiêm phòng vắc xin dại do chó cắn. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật, nhất là công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi. Phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố mở các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt người, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về thú y, trong đó có hướng dẫn các quy định về phòng, chống bệnh dại.

Khi phòng bệnh dại cho vật nuôi, chỉ cần tiêm vắc xin 1 liều/con/năm, trong khi trên địa bàn tỉnh ta, việc tiêm vắc xin bệnh dại cho vật nuôi (chó, mèo) còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 100% đối với các hộ xã vùng 3; hỗ trợ 50% đối với các hộ thuộc xã vùng 2; hỗ trợ 30% đối với các hộ thuộc xã vùng 1. Nếu không thuộc diện được hỗ trợ thì hiện tại 1 liều vắc xin tiêm phòng dại cho chó, mèo cũng chỉ 32.000 đồng. Song tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh còn thấp. Theo thống kê, năm 2018, số lượng chó nuôi trên địa bàn tỉnh ước gần 200.000 con, số hộ nuôi chó khoảng 119.038 hộ. Tỷ lệ tiêm phòng đạt 86,4% so với kế hoạch giao, nhưng so với tổng đàn thực tế chỉ đạt 65,4%, huyện đạt tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó thấp là Mộc Châu, Yên Châu và Thành phố. Nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi đạt thấp là chất lượng chuyên môn của đội ngũ nhân viên thú y cấp xã còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả công tác thú y tại cơ sở. Việc tiêm phòng dại cho đàn chó còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ dân chưa hiểu hết những quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại, chưa chấp hành việc tiêm phòng cho chó nuôi, phải đôn đốc nhắc nhở nhiều lần. Việc mở sổ quản lý đàn chó, mèo chưa được UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo sát sao; theo dõi tổng đàn chó, mèo chưa được cập nhật thường xuyên. Cộng với địa bàn rộng, đi lại khó khăn, tập quán chăn nuôi thả rông nên việc bắt giữ chó để tiêm phòng rất khó khăn, nhất là các xã vùng cao. Xử lý chủ nuôi chó không chấp hành tiêm phòng theo quy định (theo khoản 2, Điều 7,  Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y) chưa được UBND cấp xã quan tâm thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chia sẻ: Điều đáng nói, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu đàn chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin dại đúng định kỳ. Trên địa bàn tỉnh ta, do tập quán, thói quen cũng như sự hiểu biết còn hạn chế, nên việc tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo chưa được thực hiện triệt để. Hằng năm, đơn vị đều lên phương án cung cấp đủ vắc xin phòng dại để tiêm cho đàn vật nuôi nhưng các hộ dân chưa chấp hành nghiêm trách nhiệm của chủ vật nuôi nên lượng vắc xin thì thừa mà tỷ lệ đàn chó, mèo nuôi được tiêm phòng dại lại đạt không cao. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật và người của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là cấp xã. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; khai báo, cập nhật thường xuyên số lượng vật nuôi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của Nghị định 90/2017/NĐ-CP.

Để khống chế, loại trừ bệnh dại, thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức, chú trọng truyền thông trong trường học và cộng đồng người dân tộc thiểu số sống ở những vùng khó khăn về công tác tiêm phòng cho động vật nuôi và tiêm phòng cho người khi bị chó, mèo cắn. Tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi; điều tra thống kê tổng đàn làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hằng năm. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại cả trên động vật và người. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm Nghị định 90/2017/NĐ-CP đã quy định nhằm đề cao tính răn đe, giáo dục trong cộng đồng.

 

Những quy định người nuôi chó, mèo cần biết:

- Quản lý chó nuôi: Tổ chức quản lý chó nuôi theo hướng UBND cấp xã và cấp trưởng thôn, ấp, bản lập danh sách hộ nuôi chó và thống kê số lượng chó nuôi thực tế trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ cho công tác tiêm phòng vắc-xin dại triệt để trên đàn chó. Chủ nuôi chó thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã; đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình (Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ)

- Tiêm vắc xin phòng bệnh dại: Nếu chủ vật nuôi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng (căn cứ khoản a, Điều 2 Nghị định 90/2017/NĐ-CP).

- Phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường: Cũng theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới