Thường trực tỉnh ủy làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Ngày 3/6, Thường trực tỉnh ủy đã làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh. Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy; Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Vụ địa phương (Văn phòng Trung ương Đảng); các đồng chí Trong Ban Thường vụ tỉnh ủy; lãnh đạo một sở, ngành của tỉnh; đại diện một số huyện trồng cao su. Về phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có đồng chí Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

 

 

Thường trực tỉnh ủy làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

 

Dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai từ năm 2007, tại 133 bản, tiểu khu của 19 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, với tổng kinh phí đã đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng, diện tích cao su hiện có là 5.879 ha, với 6.923 hộ góp đất trồng cao su. Hiện nay, Công ty cổ phần Cao su Sơn La đang quản lý sử dụng trên 7.800 ha đất, trong đó đã trồng 5.879 ha cao su; đất chưa trồng cây cao su là 212 ha; đất trồng cao su nhưng đã chết, không trồng lại là 905 ha; diện tích đất Công ty đã nhận bàn giao nhưng chưa trồng cao su là là 796 ha. Năm 2016, Công ty thí điểm khai thác mủ 146 ha và thu được 203 tấn mủ khô, đến năm 2019, khai thác 1.060 ha sản lượng 2.114 tấn mủ khô. Tổng diện tích đã đưa cây cao su vào khai thác mủ đến nay là 3.292 ha. Tổng số lao động đã tuyển dụng 5.562 người, hiện nay số lao động đang làm việc là 1.778 người...

 

Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, như: giá mủ cao su xuống thấp, cây cao su đã khép tán chưa đến thời điểm khai thác mủ, nên đời sống của người dân góp đất trồng cao su gặp khó khăn; tình trạng công nhân thiếu việc làm, thu nhập thấp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân góp đất trồng cao su. Công ty cổ phần Cao su Sơn La chưa có giải pháp để sử dụng hiệu quả diện tích đất được giao; chưa hoàn thành việc ký kết hợp đồng góp giá trị quyền sử dụng đất giữa Công ty cổ phần Cao su Sơn La với các tổ chức, cá nhân...

 

Tại cuộc làm việc, tỉnh Sơn La đề nghị với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến đẩy nhanh việc xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành cao su để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó định hướng chuyển đổi Công ty cổ phần Cao su Sơn La thành công ty con trực thuộc một công ty lớn của Tập đoàn, giúp Công ty cổ phần Cao su Sơn La phát triển ổn định; chỉ đạo Công ty cổ phần Cao su Sơn La khẩn trương thực hiện phương án trả lại đất đối với diện tích đất chưa trồng, trồng không hiệu quả; có phương án sử dụng hiệu quả đất đã được giao; nghiên cứu đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất, trồng cây dược liệu đối với diện tích trồng cao su kém hiệu quả; nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến gỗ và lâm sản khác tại Sơn La…

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh: Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển trồng cây cao su trên địa bàn, tỉnh sẽ phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập tổ công tác của tỉnh và Tập đoàn rà soát, khảo sát những khó khăn vướng mắc, tham mưu đề xuất với tỉnh và Tập đoàn đưa ra những giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục những khó khăn; khẩn trương thực hiện việc trả lại diện tích chưa trồng cây cao su, diện tích trồng không hiệu quả để chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp; tỉnh và Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người trồng cây cao su; các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân bảo vệ tốt diện tích trồng cây cao su hiện có, nghiên cứu trồng xen các loại cây, con phù hợp để nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới