Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam

Sáng 26/3, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ  tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam lần này diễn ra đúng vào thời điểm địa phương kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017) và 40 năm Ngày giải phóng Quảng Nam (24/3/1975-24/32017). Hội nghị là dịp để Quảng Nam quảng bá, giới thiệu đến nhà đầu tư tiềm năng, lợi thế, những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và các dự án cụ thể với các doanh nghiệp, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, thông qua Hội nghị, chính quyền và ngành chức năng, các cơ quan quản lý của địa phương sẽ lắng nghe những chia sẻ, những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, của nhà đầu tư. 

“Với khát vọng kiến tạo môi trường đầu tư rộng mở, mang đến cảm hứng về sự khởi nghiệp sáng tạo mới, Quảng Nam mong muốn tại Hội nghị này, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng trao đổi, tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư; tìm kiếm các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó giúp tỉnh đề ra các cơ chế, chính sách để tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Qua Hội nghị này, chúng tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến Quảng Nam, tiến hành khảo sát địa điểm và triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại Quảng Nam”- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Quảng Nam cần thực hiện tốt mục tiêu “3 bên cùng thắng” trong các hoạt động đầu tư ở Quảng Nam bao gồm lợi ích: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Thông điệp mà Quảng Nam gửi tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này là nhằm giới thiệu với nhà đầu tư trong và ngoài nước những nỗ lực của Quảng Nam trong 20 năm phát triển vừa qua và giới thiệu về một hình ảnh môi trường đầu tư Quảng Nam thông thoáng, thuận lợi và phục vụ. 

Những lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư vào Quảng Nam là công nghiệp phụ trợ phục vụ Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ôtô Chu Lai - Trường Hải. Ưu tiên thứ hai là phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may và đi theo đó là công nghiệp hỗ trợ dệt may. Ưu tiên thứ ba là phát triển mạnh ngành dịch vụ, vui chơi giải trí khu vực ven biển, nhất là phía Đông Nam.

Về nông nghiệp, sắp tới, Quảng Nam cũng sẽ tập trung đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch để cung cấp cho thị trường tại chỗ. Tỉnh cũng sẽ phát triển ngành công nghiệp dược liệu chiết suất từ sâm và các loại cây dược liệu quý hiếm khác…

Phân tích sức hút của Quảng Nam đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng, Quảng Nam có những lợi thế, giá trị độc đáo riêng có và những yếu tố mang tính chiến lược. Không chỉ là vùng đất địa linh, nhân kiệt “lưng tựa núi, mặt ngó ra biển”, Quảng Nam còn có hệ thống sông ngòi hùng vĩ với hai dòng sông lớn là Thu Bồn và Vu Gia, một trong những lưu vực sông lớn nhất Việt Nam. Nằm ở trung vị của cả nước, thông thương thuận lợi cả bình diện quốc gia và quốc tế, Quảng Nam có diện tích đất đai nhóm đầu cả nước với 12.000 km2, có nguồn tài nguyên rừng vô giá, tiềm năng nông sản và dược liệu độc đáo quý hiếm như sâm ngọc linh, nấm linh xanh, quế Trà My…. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn xây dựng được một cơ sở hạ tầng khá tốt, xếp thứ 14/63 tỉnh thành cả nước theo xếp hạng của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam. Tỉnh còn có hai sân bay, có Cảng Chu Lai có thể đón tàu 30 vạn tấn… 


Theo Thủ tướng, chìa khóa cho sự thành công của Quảng Nam nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, vận dụng tốt các yếu tố tài nguyên, địa lý sẵn có và không gian liên kết kinh tế của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh lân cận. Đặc biệt là cùng liên kết chiến lược chuỗi giá trị với các địa phương có lợi thế trong cả nước, nhất là Vĩnh Phúc (vì Vĩnh Phúc cũng sản xuất ô tô như Quảng Nam), Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (vì đây là những thành phố lớn, khách quốc tế đến đông, cần kết nối để khách đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều đến Quảng Nam).


Thủ tướng mong muốn địa phương cũng như doanh nghiệp đầu tư nâng cấp các ngành công nghiệp và dịch vụ thế mạnh hiện có của Quảng Nam thay vì lẻ tẻ, dàn trải nguồn lực. Để phát triển bền vững thì tỉnh phải đa dạng nguồn thu ngân sách tạo ra chứ không phải tập trung vào một doanh nghiệp lớn là Ô tô Trường Hải. Đừng quá phụ thuộc vào một doanh nghiệp, đặt Quảng Nam vào thế bấp bênh về ngân sách.

Đại diện ngân hàng và lãnh đạo Thaco Trường Hải

 ký cam kết hỗ trợ vốn đầu tư tại Hội nghị.

Đất đai rộng lớn song sống phân tán, sẽ làm tăng chi phí của các ngành kinh tế, chi phí cung cấp phúc lợi cho người dân, do đó, tỉnh Quảng Nam cần quy hoạch, bố trí lại dân cư hợp lý. Cần có chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, sử dụng các dòng sông hiệu quả nhất. Vì vậy, cần tối ưu hóa lợi ích từ tính đa dạng của hệ thống sông ngòi để bù đắp chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.


Muốn làm được tất cả điều đó, trong phát triển tổng thể và bền vững, Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam phải có một quy hoạch tốt, nhất là phải có tầm nhìn xa, tránh các mâu thuẫn trong phát triển. “Anh muốn làm du lịch dọc ven biển 130 cây số này thì anh không được làm công nghiệp gây ô nhiễm, không được làm ô nhiễm những dòng sông, khói bụi ở phía Tây”, Thủ tướng nói.

Nêu ra khát vọng đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, Thủ tướng cho rằng, khách quốc tế và trong nước mới chỉ biết đến di sản văn hóa Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, còn bản đồ du lịch Quảng Nam chưa xuất hiện trong du khách và nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam làm rõ hơn thương hiệu du lịch Quảng Nam, đi vào lòng du khách. Do đó phải có sự đột phá trong thu hút đầu tư và những sản phẩm du lịch mang tính thời thượng như: đua xe công thức, ô tô, mô tô phân khối lớn, trường dạy nghề du lịch, kết hợp các cuộc thi máy bay thể thao, máy bay cá nhân, bến du thuyền, tổ chức các festival du thuyền thế giới… 

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang làm ăn có hiệu quả tại Quảng Nam cũng như ý kiến của các nhà đầu tư đang quan tâm đến Quảng Nam. 


Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư, trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 15,8 tỉ USD. 

Nhân dịp dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam năm 2017, chiều 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai trương trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam. Đây là Trung tâm hành chính công thứ 2 của cả nước, sau mô hình được triển khai thí điểm tại Quảng Ninh. Đây là mô hình kết hợp 3 chức năng gồm: Giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; xúc tiến đầu tư và chức năng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính là trọng tâm. 

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khởi công Nhà máy sản xuất ô tô THACO- Mazda tại Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới