Thu nhập cao từ mô hình nuôi dúi

Gia đình anh Liềm Văn Hợp, sinh năm 1988, trú tại tổ 14, phường Chiềng Sinh (Thành phố) đã phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi dúi, bước đầu mang lại hiệu quả, đồng thời mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân ở địa phương.

 

Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Liềm Văn Hợp, tổ 14, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

 

Sinh ra và lớn lên tại bản Pác Ma, xã Pác Ma (huyện Quỳnh Nhai). Năm 2007, thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, anh Hợp theo bố mẹ đến sinh sống tại tổ 14, phường Chiềng Sinh và theo học tại Khoa Chăn nuôi thú y, Trường Cao đẳng Nông Lâm Sơn La. Năm 2009, anh tốt nghiệp ra trường và quyết định phát triển kinh tế trên chính mảnh đất tái định cư của gia đình. Sau nhiều năm chăn nuôi lợn thương phẩm, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu phi và chi phí sản xuất lớn, đầu ra chưa ổn định nên anh quyết định tìm hướng đi mới. Năm 2017, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet, anh Hợp được biết nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế và anh đã học làm theo. Anh bàn với gia đình đầu tư 100 triệu đồng để mua 100 cặp dúi sinh sản (1 triệu đồng/cặp), cải tạo lại chuồng lợn cũ để làm chuồng nuôi dúi. Chuồng nuôi dúi được thiết kế đơn giản, không tốn diện tích, gia đình anh dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước cao 50x50cm. Thức ăn rất đơn giản và dễ kiếm, gồm: Tre, ngô, thân mía và cho ăn 1-2 lần/ngày. Dúi trưởng thành có trọng lượng từ 1,5 kg - 2kg/con. Sau 1 năm, số cặp dúi giống ban đầu sinh sản và phát triển, với đặc tính sinh sản nhanh, chỉ 3 - 4 tháng, dúi sinh sản 1 lần, mỗi lần dúi đẻ từ 3 - 5 con; dúi con được khoảng 60 ngày thì tách mẹ, bán giống, giá dao động từ 1-1,5 triệu đồng/cặp với trọng lượng từ 0,4-0,8 kg/con. Tùy vào nhu cầu của khách hàng, anh Hợp sẽ tư vấn để giúp họ chọn mua con giống tốt nhất; chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, anh Hợp đã quảng bá trên mạng xã hội như: Facebook, zalo và được nhiều người biết đến tận nhà tìm mua. Hiện, gia đình anh đang bán dúi giống cho các thương lái, hộ gia đình tại huyện: Mường La, Phù Yên, Thành phố và tỉnh Lai Châu.

 

Với đặc tính của dúi là sống trong bóng tối, không chịu được nhiệt độ nóng, anh Hợp đã thiết kế chuồng có mái che, hệ thống phun sương trên mái để làm mát, giảm nhiệt độ vào mùa hè; còn mùa đông, anh tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp để đốt sưởi ấm cho chuồng trại. Đặc biệt, loài dúi không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên khoảng 4 ngày gia đình anh dọn vệ sinh chuồng 1 lần, phun khử trùng 1 tháng/lần. Anh Hợp cho biết: So với nuôi lợn, nuôi dúi chi phí thấp, bởi thức ăn dễ kiếm, không tốn diện tích nuôi, sinh sản nhanh, không bị bệnh, tốn ít công chăm sóc. Hiện, gia đình tôi duy trì đàn dúi gần 200 con với 160 ô nuôi, chủ yếu là bán dúi giống. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu hơn 100 triệu đồng.

 

Không chỉ phát triển kinh tế cho chính mình, với tinh thần cởi mở, anh Liềm Văn Hợp luôn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ nhiều gia đình trong bản; đặc biệt là đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn muốn học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi để cùng nhau nhân rộng mô hình nuôi dúi phát triển kinh tế gia đình, lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới