Thế mạnh phát triển cây ăn quả trên đất dốc

Với gần 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 17.000 ha là đất dốc, thời gian qua, huyện Vân Hồ đã tiến hành trồng thử nghiệm và nhân rộng mô hình cây ăn qủa phù hợp với điều kiện từng xã, kết hợp với xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng nông lâm kết hợp, cải tạo vườn tạp, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của HTX Nông nghiệp Tiến Thành, bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân (Vân Hồ).

Nằm cách trung tâm huyện Vân Hồ gần 30 km, xã Chiềng Xuân được ví là thủ phủ cây ăn quả của huyện. Trên con đường vào xã, người đi đường có cảm giác mát mắt vì hai bên đường bạt ngàn màu xanh của những loại cây ăn quả phủ xanh trên những triền đồi. Vào thăm HTX Nông nghiệp Tiến Thành, bản Suối Quanh là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào trồng trên đất dốc. Bên những gốc cam đang vào vụ quả, ông Đinh Công Nhị, Giám đốc HTX, chia sẻ: Được thành lập năm 2016, HTX nông nghiệp Tiến Thành ban đầu có 8 thành viên, cây ăn quả chủ lực của HTX, gồm có: Cam, xoài, bưởi, nhãn. Để giúp các thành viên HTX có điều kiện phát triển cây ăn quả, tôi cùng với một số anh em tìm các mối cung cấp phân bón, cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây; các sản phẩm của HTX được quảng bá tại các hội chợ, gian trưng bày sản phẩm để giới thiệu với khách hàng và tìm kiếm các hợp đồng tiêu thụ. Hiện nay, HTX đã có 10 thành viên, chuyển đổi được 50 ha vườn tạp trên đất dốc sang trồng cam, nhãn và xoài, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch. Hằng năm, cho sản lượng trên 400 tấn nhãn, thu trên 8 tỷ đồng.

Là người tiên phong trong việc đưa các loại cây ăn quả về trồng trên đất dốc, anh Nguyễn Văn Tiến, bản Suối Quanh, thành viên của HTX Nông nghiệp Tiến Thành, cho biết: Hiện, gia đình tôi có 15 ha trồng cam, nhãn và xoài. Năm 2017, gia đình thu được 20 tấn nhãn, 10 tấn cam và 5 tấn xoài, tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng. Trước đây, việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc ở Chiềng Xuân gặp nhiều khó khăn, sau khi mô hình cây ăn quả trên đất dốc của gia đình tôi và các thành viên HTX Nông nghiệp Tiến Thành cho thấy hiệu quả, đã thuyết phục được người dân làm theo.

Đồng chí Hà Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: Thời gian qua, xã Chiềng Xuân tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, trong đó tập trung phát triển các loại cây ăn quả chủ lực là: Cam, nhãn ghép, xoài... Đồng thuận với chủ chương của tỉnh, Đảng ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi được 125 ha trồng cây trên đất dốc không hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, nâng tổng diện tích cây ăn quả của xã lên 160 ha.

Trở lại huyện Vân Hồ, đồng chí Vũ Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan và các xã thực hiện chủ trương lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, chính sách để hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Định hướng phát triển thành vùng cây ăn quả an toàn với quy mô tập trung hợp lý, lấy sản xuất hàng hóa làm mục tiêu, gắn với nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhu cầu thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tập trung phát triển các loại cây quả ôn đới ở các vùng có điều kiện để khai thác tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quả an toàn, quy trình sản xuất VietGAP; từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ sản phẩm một số loại quả lợi thế để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo, mở rộng diện tích cây ăn quả, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân xây dựng các mô hình cây ăn quả gắn với thành lập các HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn phát triển cây ăn quả với phát triển du lịch nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với diện tích lớn, sử dụng công nghệ tưới ẩm của Israel và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vào sản xuất. Năm 2018, diện tích cây ăn quả toàn huyện Vân Hồ đạt 2.016 ha, sản lượng quả tươi các loại ước đạt trên 4.000 tấn.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên địa bàn, Vân Hồ đã và đang thu được những kết quả quan trọng, từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Huyện đang tập trung quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung; phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đảm bảo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới