Thế giới tuần qua: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Ethiopia

Tai nạn máy bay tại Ethiopia làm 157 người thiệt mạng, xả súng gây thương vong lớn tại New Zealand, Triều Tiên đang xem xét lại việc đàm phán hạt nhân với Mỹ, Quốc hội Anh ủng hộ lùi thời hạn Brexit... Đó là một số tin tức thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới trong tuần qua.

Tai nạn máy bay tại Ethiopia làm 157 người thiệt mạng

Ngày 10/3, chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines mang số hiệu ET 302 đang trên hành trình từ thủ đô Addis Ababa tới Nairobi, Kenya mang theo 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đã gặp nạn chỉ sau 6 phút cất cánh. Các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết chiếc máy bay xấu số đã bị vỡ thành nhiều mảnh và bốc cháy dữ dội. Toàn bộ 157 người gồm hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia (Ảnh: The National)

Quốc hội Ethiopia đã tuyên bố quốc tang trong ngày 11/3 để tưởng niệm những nạn nhân xấu số. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra.

Chiếc máy bay vừa gặp nạn tại Ethiopia cùng loại với chiếc máy bay của hãng hàng không Lion Air của Indonesia gặp nạn ngày 29/10/2018, đã rơi chỉ sau 13 phút cất cánh khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. Trong vòng chưa đầy 6 tháng, 2 chiếc máy bay 737 MAX 8 của Boeing gặp nạn chỉ ít phút sau khi cất cánh, đã khiến giới chuyên gia đặt câu hỏi về sự an toàn của dòng sản phẩm này của Tập đoàn Boeing.

Làn sóng “tẩy chay” máy bay Boeing 737 Max lan rộng trên toàn cầu khi nhiều nước đã đưa ra quyết định cấm bay đối với các máy bay loại này cho đến khi tìm ra được nguyên nhân tai nạn. Ngày 14/3, Cơ quan Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) cũng đã xác nhận quyết định cấm máy bay Boeing 737 MAX 8 và MAX 9 cho đến khi một phần mềm nâng cấp có thể được thử nghiệm, phê chuẩn và lắp đặt. Trong khi chờ kết luận điều tra, cổ phiếu của hãng Boeing đã sụt giảm nghiêm trọng, làm hãng này mất hàng chục tỷ USD trên thị trường vốn hóa.

Xả súng gây thương vong lớn tại New Zealand

Các vụ xả súng tại 2 đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, miền Đông New Zealand ngày 15/3 đã khiến ít nhất 49 người thiệt mạng, 48 người bị thương trong đó 20 người bị thương nghiêm trọng. Cảnh sát New Zealand đã bắt giữ 4 đối tượng gồm 3 nam và 1 nữ. Một nam đối tượng đã bị cáo buộc tội giết người. Vụ việc trên đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Cảnh sát và nhân viên cứu thương giúp đỡ một người đàn ông bị thương sau vụ nổ súng tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch. (Ảnh: AP)

Sau vụ xả súng đẫm máu chưa từng có, mức cảnh báo đe dọa ở New Zealand được nâng lên mức cao lần đầu tiên trong lịch sử. Các sự kiện công cộng trên toàn quốc dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày cuối tuần đã bị hủy bỏ vì lý do an toàn. Hãng hàng không quốc gia New Zealand cũng đã hủy ít nhất 17 chuyến bay ra vào khu vực Christchurch.

Sáng 16/3, Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia sinh sống tại bang New South Wales, 28 tuổi, đã bị đưa ra tòa ở thành phố Christchurch, đối mặt với cáo buộc giết người. Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố sẽ đưa ra những quy định chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát súng đạn. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Ardern cho biết: “Dựa vào thực tế rằng kẻ tấn công sau khi có giấy phép đã đủ điều kiện mua các loại súng tự động, tôi nghĩ chúng ta cần phải có sự thay đổi”. Theo Thủ tướng New Zealand, một dự luật trong đó gồm cả lệnh cấm các vũ khí bán tự động đang được cân nhắc. 

Triều Tiên đang xem xét lại việc đàm phán hạt nhân với Mỹ

Ngày 15/3, Triều Tiên cho biết nước này đang cân nhắc về việc có nên tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ và duy trì việc hoãn các vụ phóng tên lửa hay không. Thông tin này đã được Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đưa ra trong một cuộc gặp gỡ các đại diện ngoại giao và các phóng viên nước ngoài tại Bình Nhưỡng, ngày 15/3.

 Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui (giữa) trong buổi gặp gỡ các đại diện ngoại giao và phóng viên nước ngoài tại Bình Nhưỡng, ngày 15/3. (Ảnh: Yonhap)

Ngay lập tức, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã phản ứng thận trọng trước diễn biến này với thông điệp rằng: “Chúng tôi đang theo sát tình hình. Chúng tôi không thể đánh giá tình hình hiện nay chỉ thông qua những lời bình luận của bà Choe”.

Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên đưa ra tuyên bố nêu trên, ngày 15/3, trao đổi với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington hy vọng rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này mong muốn Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đối thoại.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13, ngày 15/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng bày tỏ quan điểm cho rằng việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên không thể đạt được “trong một sớm một chiều”, đồng thời tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Quốc hội Anh ủng hộ lùi thời hạn Brexit

Ngày 14/3, với tỷ lệ 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, Quốc hội Anh đã phê chuẩn đề xuất của chính phủ về gia hạn Điều khoản 50 nhằm lùi thời hạn thực thi Brexit trong 3 tháng và ủng hộ việc đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn Brexit.

Quốc hội Anh ủng hộ lùi thời hạn Brexit. (Ảnh cắt từ bản tin NHK)

Trong đề xuất trên, chính phủ của Thủ tướng Theresa May tái khẳng định quan điểm cho rằng, việc trì hoãn thực thi Brexit là nhằm chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết cho tiến trình đưa Anh rời EU. Đề xuất này có nhiều khả năng sẽ được phê chuẩn trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 21/3 tới nếu như bản dự thảo thỏa thuận về Brexit được Hạ viện Anh chấp thuận trong phiên bỏ phiếu ngày 20/3.

Bản đề xuất cũng nêu rõ, trong trường hợp dự thảo thỏa thuận Brexit do Thủ tướng May đưa ra tiếp tục bị Hạ viện bác bỏ, thì EU có khả năng sẽ từ chối đề xuất gia hạn Điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon vốn đã được kích hoạt sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về Brexit diễn ra tại Anh vào tháng 6/2016.

Trong một thông điệp đăng trên Twitter vào sáng 15/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết có khả năng các thành viên EU sẽ cho phép trì hoãn thời hạn Anh rời liên minh trong thời gian dài nếu như London cần thêm thời gian để “suy nghĩ lại” về cách tiếp cận đối với Brexit. Cùng ngày, lãnh đạo nhiều nước thành viên EU đã kêu gọi Chính phủ Anh phải làm rõ ý định của nước này về Brexit, trước khi EU xem xét đề nghị của London trì hoãn Brexit trong bối cảnh một loạt các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh trong những ngày qua vẫn không làm cho tương lai Brexit của nước Anh trở nên rõ ràng hơn. 

Venezuela yêu cầu phái đoàn ngoại giao Mỹ về nước

Ngay sau khi Mỹ thông báo kế hoạch rút toàn bộ nhân viên ngoại giao tại Venezuela về nước, ngày 12/3, Bộ Ngoại giao Venezuela lập tức ra thông báo yêu cầu phái đoàn ngoại giao Mỹ rời đi trong vòng 72 giờ.

Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Caracas, Venezuela. (Ảnh: Reuters)

Thông báo của Bộ Ngoại giao Venezuela nêu rõ: "Venezuela quyết định không gia hạn thời gian thường trú cho các nhà ngoại giao Mỹ hiện vẫn ở lại Venezuela vì lý do vào ngày 11/3 chính phủ Mỹ đã yêu cầu tất cả các nhân viên ngoại giao còn lại rút về nước".

Thông báo trên được đưa ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 11/3 tuyên bố trên tài khoản Twitter rằng: "Mỹ sẽ rút toàn bộ nhân viên còn lại của Đại sứ quán Mỹ ở Venezuela trong tuần này”, bởi theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ, sự hiện diện của các nhân viên ngoại giao tại đây sẽ trở thành “một trở ngại cho chính sách của Mỹ".

Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đã thu hồi thị thực của thêm 340 công dân Venezuela, trong đó ít nhất 107 thị thực là của các quan chức ngoại giao và gia đình họ, đồng thời cho biết đang xem xét mở rộng danh sách này.

Mỹ, EU và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga

Ngày 15/3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức và doanh nghiệp Nga nhằm đáp trả những hành động của Nga liên quan tới Ukraine. Các biện pháp trừng phạt trên nhằm vào 6 quan chức Nga, 6 công ty quốc phòng và 2 công ty năng lượng và xây dựng.

Tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ tại cảng Kerch, Crimea, Nga ngày 26/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo thông báo, 4 trong số 6 cá nhân bị  Mỹ, EU và Canada trừng phạt là các quan chức thuộc lực lượng bảo vệ biên giới hoặc bảo vệ bờ biển của Nga do có vai trò trong vụ đụng độ giữa tàu chiến của Nga và Ukraine ngày 25/11/2018 tại eo biển Kerch. Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, tất cả các tài sản và các lợi ích từ tài sản thuộc các cá nhân và thực thể bị chỉ định sẽ bị phong tỏa. Bên cạnh đó, các công dân Mỹ bị cấm giao dịch với những người trong danh sách trừng phạt.

Cùng ngày, Canada thông báo các lệnh trừng phạt nhằm vào 115 người và 15 thực thể của Nga nhằm đáp trả vụ việc xảy ra ở eo biển Kerch, trong khi EU thông báo quyết định trừng phạt thêm 8 người Nga khác cũng với lý do tương tự.

Phản ứng sau khi Mỹ và Canada công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, ngày 15/3, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ hai quốc gia Bắc Mỹ đang tiếp tục phá hủy quan hệ với Nga và câu trả lời thực tế của Moskva sẽ “đến ngay lập tức”. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết Moskva sẽ đáp trả những biện pháp trừng phạt mới của EU.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới