Thế giới tuần qua: COVID-19 vẫn tiếp tục là mối nguy cơ của toàn nhân loại

Tuần qua (20 – 26/4), bên cạnh một số sự kiến đáng chú ý, thế giới tiếp tục chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự chung tay của nhân loại trước cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Số ca tử vong vì COVID-19 vượt mốc 200.000 người

 Một nhân viên y tế chuẩn bị tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người dân tại Miami, Florida, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 8h sáng ngày 26/4 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lan sang 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 2.918.934 ca lây nhiễm và 203.139 ca tử vong. Thế giới cũng ghi nhận đã có 836.486 ca phục hồi. Hiện Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới 960.525 ca nhiễm và 54.248 ca tử vong.

Tại châu Âu, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona SARS-CoV-2 gây ra đã cướp đi sinh mạng hơn 120.000 người, trong đó hơn 3/4 số ca tử vong tập trung ở Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Anh.

Tính đến nay, châu Âu có tổng cộng 1.252.4022 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 120.114 trường hợp tử vong, trở thành châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm ngoái. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất với 25.969 trường hợp, tiếp theo là Tây Ban Nha với 22.902 trường hợp, Pháp ghi nhận có 22.245 trường hợp và Anh là 19.506 trường hợp. Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này ngày 25/4 đã xác nhận thêm 415 ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Tây Ban Nha hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Italy.

Tuần qua, với số ca mắc và tử vong liên tục tăng, Đông Nam Á (ASEAN) có nguy cơ trở thành điểm nóng mới về đại dịch COVID-19. Singapore vẫn là một trong những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất khu vực. Ngày 25/4, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 618 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại đảo quốc này lên 12.693 người. Đa số ca mắc mới được phát hiện là các lao động nhập cư sống trong các khu nhà tập thể và 7 ca là người thường trú tại Singapore. Với dân số 5,7 triệu dân, Singapore là một trong những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất châu Á.

Sau Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia là các quốc có số ca nhiễm và tử vong thuộc top đầu khu vực. Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày xác nhận thêm 17 ca tử vong và 102 ca mắc. Như vậy, đến nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 7.294 ca mắc, trong đó có 494 người tử vong. Số ca mắc COVID-19 tại Malaysia là 5.742 ca, trong đó 98 người tử vong; Indonesia ghi nhận có 8.607 ca mắc COVID-19 và 720 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại này, hiện các nước ASEAN đều đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có lệnh cách ly xã hội ở nhiều mức độ khác nhau.

Bên cạnh đó, các khu vực khác trên thế giới như châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương cũng tiếp tục gia tăng thêm các ca lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang lan rộng chưa có điểm dừng tại nhiều châu lục, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 22/4 đã kêu gọi thế giới cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho kịch bản đại dịch COVID-19 sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu WHO nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số nước Tây Âu đang có dấu hiệu ổn định hay giảm nhiệt. Song đáng quan ngại là dịch bệnh tại châu Phi, khu vực Trung và Nam Mỹ lại đang có xu hướng gia tăng, cho dù các con số ghi nhận được vẫn còn ở mức thấp.

Lưu ý rằng hầu hết các nước trên thế giới đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, ông Ghebreyesus cảnh báo rằng: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Con virus này sẽ sống cùng chúng ta trong một thời gian dài”. Người đứng đầu WHO khẳng định ông sẽ tiếp tục làm việc không quản ngày đêm và tập trung vào nỗ lực cứu sinh mạng con người. 

Giá dầu lao dốc không phanh trong gần 2 thập kỷ

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) 

Ngày 22/4, giá dầu thô Brent đã lần đầu tiên trong 2 thập kỷ giảm xuống dưới mức 16 USD/thùng trong lúc các thị trường tiếp tục chật vật với tình trạng cung vượt quá cầu vì các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch COVID-19. Giá dầu thô Brent, đóng vai trò thước đo của dầu thế giới, có lúc đã giảm xuống mức 15,98 USD/thùng trong ngày 22/4, trước khi tăng nhẹ qua ngưỡng 17 USD/thùng.

Trước đó ngày 20/4, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng, giữa bối cảnh tình trạng dôi dư nguồn cung tiếp tục trầm trọng do tác động của đại dịch COVID-19.

Thị trường dầu mỏ liên tục lao dốc trong những tuần qua do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại áp đặt tại nhiều nước, khiến nhu cầu "vàng đen" giảm mạnh. Cuộc khủng hoảng giá dầu càng trở nên tồi tệ hơn khi tranh cãi giữa Saudi Arabia và Nga xảy ra trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, cùng với các nguồn dự trữ đã kịch trần, quyết định của OPEC+ chưa đủ sức kéo giá dầu trở lại quỹ đạo.

Trước những diễn biến tiêu cực trên thị trường dầu mỏ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/4 khẳng định các nhà sản xuất OPEC+ có đủ các cơ chế để trao đổi với đối tác liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Do đó, các cuộc trao đổi sẽ được sắp xếp nếu cần thiết. Ông cũng cho rằng nguyên nhân khiến giá dầu ngọt nhẹ Mỹ lần đầu tiên rơi xuống vùng âm là do các hoạt động đầu cơ, nhấn mạnh Chính phủ Nga có đủ mọi dự trữ cần thiết để bù đắp thiệt hại do giá dầu thấp.

Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran

 Hai tàu Iran di chuyển gần các tàu quân sự Mỹ trên vịnh Ba Tư, ngày 15/4/2020.
(Ảnh: Reuters)

Sau những căng thẳng tột độ liên quan tới vụ Mỹ sát hại Thiếu Tướng Qasem Soleimani của Iran vào đầu năm 2020, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran nay lại được “tiếp thêm lửa” bởi màn khẩu chiến không khoan nhượng liên quan tới các hoạt động hàng hải trên vịnh Ba Tư.

Ngày 23/4, Thiếu Tướng Hossein Salami – Tổng tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, ông đã chỉ thị các lực lượng Iran nhắm mục tiêu vào các tàu chiến của Mỹ nếu có hành vi đe dọa tới an toàn của các tàu quân sự và phi quân sự của Iran hoạt động trên vùng Vịnh.

Đây là phản ứng mới nhất của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 22/4 đã thông báo trên Twitter về việc ông đã chỉ thị cho Hải quân Mỹ tấn công và tiêu diệt bất kỳ và tất cả các chiến hạm của Iran có hành vi “quấy rối” các tàu Mỹ. Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra vài giờ sau khi IRGC thông báo đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên của nước này lên quỹ đạo.  

Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran tới trụ sở bộ này để phản đối những căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh. Thụy Sĩ hiện là nước đại diện cho các quyền lợi của Mỹ tại Iran. Đại sứ Thụy Sĩ đã nhận được thông điệp để chuyển cho phía Mỹ, trong đó nêu rõ Iran sẽ kiên quyết bảo vệ những quyền hàng hải của quốc gia Hồi giáo ở vùng Vịnh và đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào.  

Trước đó, Mỹ và Iran liên tục chỉ trích đối phương có hành động gây hấn. Hải quân Mỹ cáo buộc 11 tàu quân sự của IRGC đã tiến hành "những hành động nguy hiểm và khiêu khích" gần Hải quân Mỹ và các tàu tuần duyên trong vùng biển quốc tế ở vùng Vịnh. Trong khi đó, IRGC cáo buộc trong những tuần gần đây, lực lượng Hải quân Mỹ đã hành xử theo cách "không chuyên nghiệp" tại vùng Vịnh, đe dọa nền hòa bình khu vực và làm gia tăng các nguy cơ mới.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế nhập cảnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. (Ảnh: AP) 

Trong một thông báo được đưa ra ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã ký sắc lệnh hạn chế nhập cảnh vào Mỹ. Đưa ra thông báo trên mạng xã hội Twitter cá nhân từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Sắc lệnh này sẽ đảm bảo cho những người Mỹ hiện đang thất nghiệp sẽ là người đầu tiên có việc làm khi nền kinh tế của chúng ta mở cửa trở lại và bảo đảm nguồn lực y tế cho các bệnh nhân người Mỹ chúng ta”.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày, được cho là chỉ tạm thời đình chỉ việc xin cấp thẻ xanh, không phải những lao động mùa vụ. Tổng thống Trump nói đây là sắc lệnh nhập cư "rất quyền lực", và sau 60 ngày ông sẽ xem xét lại sắc lệnh, sau đó ông có thể thay đổi cách thức thực hiện hoặc gia hạn thêm.

Theo Tổng thống Donald Trump thông báo đã ký sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cảnh nhằm tạm dừng cấp mới thẻ xanh, một động thái theo ông là sẽ giúp bảo vệ việc làm của người dân Mỹ trong bối cảnh hàng chục triệu người Mỹ đã mất việc làm trong những tuần qua do bùng phát đại dịch COVID-19. 

Trước thông báo Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, ngoài những nghị sĩ lên tiếng ủng hộ thì quyết định này của ông Trump được cho là sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và các nhóm bảo vệ quyền lợi người nhập cư. Họ cho rằng ông Donald Trump đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong chương trình nghị sự của mình ngay cả khi đất nước đang tập trung cho cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã cáo buộc Tổng thống Trump cố tình viện cớ vào dịch bệnh để biện minh cho chính sách nhập cư cứng rắn của ông.

Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc đi vào gần quần đảo tranh chấp

Quần đảo Senkaku/ Điếu ngư. (Ảnh:AP)

Ngày 21/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã tỏ rõ lập trường phản đối việc các tàu Trung Quốc đi vào vùng hải phận gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Theo Kyodo, từ đầu năm tới nay, các tàu Trung Quốc đã 7 lần xâm nhập vùng lãnh hải tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây nhất, vào ngày 17/4, 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông và di chuyển qua khu vực này trong vòng 90 phút trước khi rời đi. Trước đó 4 tàu này đã xuất hiện 4 ngày liên tục bên ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản trước khi xâm nhập.

Báo chí Nhật Bản cho biết, trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ vào tối cùng ngày với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc thông báo thành lập cái  gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” ở Biển Đông. Về phía ông Moteghi cũng khẳng định rõ lập trường của Nhật Bản nhằm lên án “tất cả các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này. Những tranh chấp về chủ quyền đã đẩy quan hệ Trung - Nhật vào tình trạng căng thẳng trong nhiều năm qua, đặc biệt sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuôc Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.

Thời gian gần đây, quan hệ hai nước đang có những tiến triển tích cực để chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, sau khi chuyến thăm này bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tình hình tại khu vực tranh chấp có dấu hiệu phức tạp trở lại./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới