Thành tựu kinh tế nổi bật sau 35 năm vươn mình của đất nước

Bước ra từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ kéo dài, bị bao vây, phong tỏa nhiều mặt, Việt Nam bước vào thực hiện công cuộc đổi mới với hành trang là một nền sản xuất lạc hậu, khép kín. Bản lĩnh Việt Nam đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng những năm đầu thập kỷ 1980, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ; vị thế trên trường quốc tế được nâng cao.

 

Một góc thành phố Sơn La.

Ảnh: PV

 

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu, dấu mốc có tính kỷ lục. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 12 lần, GDP đầu người tăng gấp 8,3 lần, xuất nhập khẩu tăng 29,5 lần, dự trữ hối đoái đạt kỷ lục 47,6 lần... so với thời kỳ đầu đổi mới. Năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư trong khối ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN.

5 năm đầu bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới, mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của nước ta chỉ đạt 4,4%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đạt tốc độ tăng GDP bình quân cả giai đoạn 2016-2019 ở mức 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng đạt 2,9%, được đánh giá là 1 trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.

Một trong những chỉ số quan trọng, đó là kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, tỷ lệ lạm phát dần được kiểm soát từ mức ba chữ số những năm đầu của thời kỳ đổi mới xuống mức mục tiêu 4% trong suốt giai đoạn 2016 - 2020. Các thị trường vốn và tiền tệ có bước phát triển mạnh mẽ, hoạt động thông suốt và dần ổn định hơn. Tín dụng tăng trưởng tốt, là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường ngoại tệ được quản lý linh hoạt, tình trạng đô-la hóa giảm dần qua các năm, quỹ dự trữ ngoại hối tăng cao, niềm tin của người dân vào đồng nội tệ được củng cố vững chắc.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp tiếp tục giảm xuống. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa rộng với nhiều mô hình kinh doanh độc đáo, có hiệu quả. Hệ thống hạ tầng quốc gia được tập trung đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông. Cải cách hành chính thực hiện quyết liệt, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để tập trung, chuyển hóa nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội.

Một điểm sáng nữa, đó là công tác huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 15 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 10,6%/năm. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh từ 36% năm 2010 lên 46% năm 2020. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình có ý nghĩa to lớn, như: Vingroup, Sungroup, FLC, Thaco...

 

Cánh đồng chè xã Phổng Lái (Thuận Châu).

Ảnh: PV

Từ một nền kinh tế nhỏ bé, khép kín, nhưng với tinh thần Việt Nam là bạn và đối tác với mọi quốc gia trên thế giới, nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và tích cực đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương. Gần đây nhất, Việt Nam đã ký hai hiệp định với tiềm năng rất lớn là EVFTA và RCEP, hứa hẹn duy trì xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã dần cân bằng, có 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016, đặc biệt, năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục lên tới 19,1 tỷ USD. Việc có quan hệ FTA với các nền kinh tế lớn và phát triển tại các khu vực địa lý khác nhau đã giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại và có được cơ cấu thị trường hợp lý hơn, không quá phụ thuộc vào một khu vực thị trường nào.

Trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội trên thế giới có nhiều thay đổi, biến động nhanh, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc gia tăng. Tình hình đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thiên tai nghiêm trọng diễn ra trong năm 2020 càng chứng tỏ khả năng điều hành nền kinh tế Việt Nam đã vững vàng hơn. Từ những thành tựu vượt bậc này, nhân dân tin tưởng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đất nước sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao khi kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng.

Trường Chinh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới