Thành công trong sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Thành lập hơn 2 năm, HTX Nông nghiệp xanh 26/3 đã khẳng định sự nhạy bén, nắm bắt xu hướng thị trường sản xuất sản phẩm rau an toàn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ thế, HTX ngày càng phát triển và được đánh giá là một trong những mô hình điểm về sản xuất rau an toàn tiêu biểu của Thành phố, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục nhân công địa phương.

 

Khu nhà lưới trồng rau xanh của  HTX Nông nghiệp xanh 26/3 tại bản Áng, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Để hiểu thêm quy mô, quy trình sản xuất của HTX, tôi đến thăm cơ sở sản xuất rau của HTX Nông nghiệp xanh 26/3 đặt tại bản Áng, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) trong một chiều tháng 8. Đón tôi không phải ban giám đốc, mà là những người nhân công đang hăng say lao động, chăm sóc từng luống rau, gốc cây dưa chuột chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Lò Văn Khanh, công nhân của HTX cho biết: Nghe anh Bình, Phó Giám đốc HTX nói hôm nay có nhà báo đến ghi hình, phỏng vấn về công việc trồng rau của chúng tôi, chúng tôi cứ thấp thỏm đợi từ sáng. Bên cạnh những câu chuyện về công việc, anh Khanh thổ lộ: Tôi quê gốc ở xã Chiềng Chung (Mai Sơn), trước đây khi chưa đi làm ở HTX, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, bấp bênh vì tôi không có nghề nghiệp, hàng ngày chỉ biết vào rừng lấy củi mang ra chợ bán, mà rủi ro lao động luôn thường trực. Cuối năm 2016, xin vào làm ở HTX, tôi đã được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc rau, giờ tôi được đánh giá là một trong những người có tay nghề cứng và được ban giám đốc tin tưởng giao nhiệm vụ chăm sóc khu vực nhà lưới rộng 5000 m2 này. Vui nhất, với mức tiền lương gần 5 triệu đồng/tháng, năm học mới 2018-2019 này, tôi có đủ tiền mua sắm quần áo, sách vở cho 2 con đi học. Còn chị Hoàng Thị Đông, ở tổ 8, phường Chiềng Sinh (Thành phố) trước đây không có việc làm, năm 2016, chị xin vào làm công nhân cho HTX, sau 1 thời gian, nhận thấy mô hình của HTX rất có tiềm năng, chị đã bàn với mẹ cùng tham gia làm việc cho HTX. Đến nay, 2 mẹ con chị đều có mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, ổn định cuộc sống. 

Câu chuyện giữa tôi và những người công nhân dừng lại, khi anh Vì Văn Bình, Phó Giám đốc HTX đi họp ở huyện về. Dáng người nhanh nhẹn, tháo vát, anh Bình đưa tôi đi thăm, giới thiệu về từng luống rau, củ. Thấy anh Bình chăm chú quan sát những nhánh lá cây cà chua đang nở hoa, chuẩn bị cho quả, rồi nhắc anh Khanh phải mua thêm phân bón vào ngày mai và bớt phân đạm đi để cây đậu quả nhiều, tôi cảm nhận, nếu không yêu nghề, không nghiên cứu chuyên sâu với từng giống rau, hẳn người lãnh đạo trẻ này không am hiểu cây trồng như vậy.

Kể về quyết định thành lập HTX, anh Vì Văn Bình nói: Khi mới thành lập, HTX gặp không ít khó khăn, chỉ có 5 thành viên với vốn điều lệ hơn 600 triệu đồng và 5.000 m2 đất sản xuất rau sạch. Rau sản xuất theo chuẩn VietGAP, phải làm đúng quy trình với hơn 20 tiêu chí. Vì vậy, chi phí đầu vào cho rau cao hơn làm theo kiểu truyền thống, nên buộc phải nâng giá bán ra thị trường. Trong khi đó, rau chợ sử dụng các chế phẩm thuốc tăng trưởng, trừ sâu, nên lúc nào cũng đẹp mắt hơn, giá lại rẻ, có nhiều lúc, chúng tôi tưởng phải bỏ cuộc. Trước khó khăn, Ban giám đốc đã họp bàn thành viên thống nhất cần kiên nhẫn, quyết tâm sản xuất rau đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ban đầu đặt ra. Sau đó, HTX phối hợp với ngành nông nghiệp huyện, thành phố tập huấn cho xã viên kỹ thuật sản xuất rau an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; HTX thành lập một đội ngũ kỹ thuật thành thạo chuyên môn về cây trồng, luân phiên đi kiểm tra 6 khu vực vệ tinh trồng rau khác nhau trên địa bàn Thành phố và 2 huyện: Mai Sơn, Thuận Châu. Ngoài ra, còn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, có hệ thống phun tưới tự động và xử lý chất thải bên trong, ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của các loại côn trùng gây hại. Kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước sản xuất đảm bảo không có vi khuẩn gây bệnh. Bằng cách làm này, dần dần, chúng tôi đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp xanh 26/3 có 8 thành viên với tổng diện tích đất canh tác khoảng 5-7 ha tùy vào mùa vụ rau đặt tại các cơ sở: Tổ 8, phường Chiềng Sinh (Thành phố) và các xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban (Mai Sơn); É Tòng (Thuận Châu). Với gần 20 sản phẩm rau, củ quả các loại của HTX đã có mặt tại gian hàng rau sạch đặt tại các chợ ở khu vực trung tâm của Thành phố, Quỳnh Nhai, Mường La và nhiều bếp ăn tập thể của các trường học đặt mua, trung bình một ngày cung cấp cho thị trường khoảng 6 tạ rau các loại.

Anh Bình phấn khởi cho biết thêm: Mục tiêu lớn nhất của việc thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh 26/3, là tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia trực tiếp sản xuất các loại rau an toàn và xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cả hai nhiệm vụ đều hướng đến mục tiêu sau cùng là tạo việc làm và sinh lợi cho đoàn viên thanh niên địa phương trên cơ sở khai thác thế mạnh sẵn có, đồng thời với phát huy sức trẻ, năng động, ứng dụng tri thức đã học ở nhà trường vào sản xuất. Đến nay, HTX Nông nghiệp xanh 26/3 đã tạo việc làm cho trên 50 lao động địa phương có việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 3,8 triệu đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ghi nhận những việc đã làm được, năm 2018, HTX Nông nghiệp xanh 26/3 được UBND tỉnh tặng Bằng khen về điển hình tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới