Tha thiết tiếng kèn lá

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, có rất nhiều các loại nhạc cụ đặc sắc như: kèn, sáo, tiêu... Trong đó, có một loại nhạc cụ rất đặc biệt tự tạo đơn giản, đó là kèn lá.

Kèn lá - nhạc cụ dân tộc tự tạo độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Đúng như cái tên được gọi, chỉ cần ngắt một chiếc lá tươi, những loại lá có mép trơn, dai, bề mặt bóng nhẵn và mềm là có một chiếc kèn lá. Khi thổi, người thổi dùng tay giữ hai đầu lá và ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, kết hợp việc sử dụng lưỡi và đẩy hơi qua kẽ hở của môi vào khe lá sẽ tạo ra âm thanh trong trẻo như tiếng chim hót. Kèn lá chủ yếu vận dụng sự linh hoạt của đôi môi và những ngón tay. Khi thổi, lá dùng làm kèn được gập đôi lại ở phần mép lá mỏng hơn và ngậm vào môi, hơi được thổi mạnh, nhẹ để tạo chỉnh âm thanh cao thấp, trầm bổng theo âm điệu bài hát hay làn điệu dân ca.

Có nhiều cách thổi kèn lá, nhưng thường được sử dụng theo hai cách. Một là ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, dùng môi mím nhẹ để giữ và kết hợp giữa việc sử dụng lưỡi và hơi đẩy ra qua kẽ hở của môi. Hai là dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ở hai bàn tay để giữ hai đầu của lá sau khi đã ngậm ở môi, dùng lưỡi kết hợp với môi để đẩy hơi tạo ra âm thanh.

Là người có kinh nghiệm sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình, ông Mùa A Lứ, tiểu khu Pa Khen 3, thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết:  Bất cứ khi nào muốn là người Mông cũng có thể “hái” ra được kèn lá. Tuy nhiên để thổi hay, trọn vẹn một điệu nhạc thì khâu chọn lá đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài lá tre và những loại lá kim, lá dòn, mép răng cưa thì các loại lá khác đều cất lên những âm thanh chuẩn và hay. Nhưng để có được âm thanh tốt nhất, người chơi kèn lá thường lấy lá nghiến, lá cây thảo quả để sử dụng và điều đặc biệt, nếu muốn tiếng kèn được đi xa hơn, người thổi phải lựa chọn vị trí đầu gió, như vậy, âm thanh của tiếng kèn mới vang xa và trong trẻo hơn.

Điều đặc biệt là kèn lá không tạo được âm điệu trầm, thấp, âm thanh của nó bao giờ cũng lảnh lót và cao vút. Chính vì thế, kèn lá được ví như tiếng chim hót của núi rừng đại ngàn và thường được sử dụng trong những dịp như cưới hỏi, các lễ hội. Đặc biệt, trong những ngày Tết, tiếng kèn lá lảnh lót vút lên khi là điệu nhạc, khi lại giống tiếng chim muông đang ríu rít gọi bầy, nhảy nhót trên cành khiến cho không gian như tràn ngập không khí của xuân mới.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mông, kèn lá có thể thay cho lời gọi nhau mà không cần dùng đến tiếng nói. Người thổi kèn lá để ngầm hỏi xem có ai ở bên đồi gần đó không, vì nếu có thì người ở bên quả đồi gần đó cũng sẽ tìm một cái lá để thổi trả lời. Thay cho những lời hẹn hò, các chàng trai, cô gái cũng có thể sử dụng kèn lá, để cùng tâm tình, trò truyện trong những đêm hẹn hò. Cứ thế, họ nhắn nhủ biết bao tâm tư, tình cảm cho người mình yêu mến thông qua tiếng kèn và rồi đáp lại tiếng kèn ân tình đó từ đối phương, tiếng kèn dập dìu, dồn dập thể hiện tài năng, sự khéo léo và cả sức dẻo dai.

Ngày nay, dù đã có rất nhiều những nét văn hóa mới mẻ khác, thế nhưng, đồng bào dân tộc Mông vẫn luôn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, không những vậy, còn luôn giới thiệu tới bạn bè gần xa về những nghệ thuật riêng biệt mang sắc thái thiên nhiên của đồng bào dân tộc Mông.

Đức Anh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới