Tập trung sản xuất nông sản an toàn hướng tới xuất khẩu

Chúng tôi vừa cùng Đoàn công tác Cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Trồng trọt &BVTV tỉnh thăm, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vùng cây ăn quả xuất khẩu tại huyện Yên Châu.

Nông dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) phun thuốc BVTV vườn nhãn thời kỳ quả non.

Ngay từ sáng sớm, trên khu đất nương rộng gần 80 ha xanh mướt bởi những cây nhãn đã hơn chục năm tuổi đang thời kỳ đậu quả non, anh Trần Như Kiên và anh Nguyễn Đức Xuân, HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) đã mặc quần áo bảo hộ lao động, đi găng tay, đeo khẩu trang để phun thuốc BVTV chống sâu đục cuống quả nhãn.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Trần Như Kiên chia sẻ: Từ ngày có cán bộ BVTV Trung ương, tỉnh và huyện về cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc BVTV an toàn theo nguyên tắc 4 đúng, 5 quy tắc vàng và quy trình thu gom, xử lý vỏ bao thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn, hướng tới xuất khẩu, bà con trong hợp tác xã ai cũng ủng hộ và thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng thuốc BVTV. Riêng vụ nhãn năm 2018, HTX nông nghiệp Phương Nam đã xuất khẩu 1.200 tấn nhãn, trong đó có 1,5 tấn nhãn được xuất sang thị trường Mỹ, khẳng định chất lượng quả nhãn của HTX được sản xuất theo đúng quy trình an toàn.

Với mục tiêu nâng cao ý thức sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm, năm 2017-2018, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Tổ chức CropLiefe Việt Nam và Chi cục Trồng trọt &BVTV tỉnh triển khai mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trách nhiệm, an toàn và hiệu quả thông qua việc tổ chức 25 lớp tập huấn, hướng dẫn 600 nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, 5 quy tắc vàng và quy trình thu gom, xử lý vỏ bao thuốc BVTV; xây dựng 75 bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV và 5 bộ pano tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả tại 4 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xuất khẩu ở huyện Yên Châu, gồm: HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, HTX nông nghiệp Hương Xoài, HTX Phương Nam, HTX nông nghiệp Thanh Sơn; cấp mã số vùng trồng hơn 150 ha nhãn và hơn 40 ha xoài xuất khẩu ở các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Từ năm 2017, khi bắt đầu triển khai Dự án, chúng tôi đã khảo sát và đánh giá phần lớn nông dân ở tỉnh Sơn La có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm, lạm dụng thuốc, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và hướng dẫn trên bao bì; không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi tại nương rẫy... đã gây không ít vụ ngộ độc xảy ra do thuốc BVTV (đặc biệt là thuốc trừ cỏ), gây nguy hại đến sức khỏe người sản xuất và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với Chi cục Trồng trọt &BVTV tỉnh tổ chức các lớp tập huấn giúp học viên là nông dân hiểu và nắm được những kiến thức cơ bản về thuốc BVTV, nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng trên các loại cây trồng tại địa phương. Hướng dẫn một số kỹ thuật sử dụng bình phun tay, điện, động cơ, sự cần thiết phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng...

Cán bộ Chi cục Trồng trọt &BVTV tỉnh hướng dẫn nông dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) sử dụng thuốc BVTV đúng cách.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn và những người nông dân trực tiếp tham gia Dự án, hoạt động của Dự án nằm trong vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu có tính ứng dụng cao, thực tế, hiệu quả, cần thiết đối với nông dân; bảo đảm nâng cao chất lượng, tính an toàn về dư lượng thuốc BVTV cho sản phẩm quả, góp phần tạo được uy tín sản phẩm quả trong xuất khẩu của tỉnh, đáp ứng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu đi các nước. Năm 2018, sản lượng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 17.500 tấn. Trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: Xoài 3.500 tấn (giá trị 1,75 triệu USD) sang thị trường Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Dubai. Nhãn tươi đạt 5.035 tấn (giá trị ước đạt 11,42 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ... Chanh leo khoảng 1.700 tấn (giá trị đạt 1,938 triệu USD) sang thị trường Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan... Chè khô ước đạt 8.000 tấn (giá trị 16,5 triệu USD), sang thị trường Pakistan, Apganistan, Nhật Bản, UAE, Trung Quốc. Cà phê nhân ước đạt 25.000 tấn (giá trị khoảng 60,48 triệu USD), sang thị trường EU, Hoa Kỳ, UAE, Ấn Độ...

Kế hoạch tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu năm 2019, tỉnh Sơn La phấn đấu đạt 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu nông sản ước đạt 135.317 tấn, giá trị đạt 141,9 triệu USD, chiếm 94,6% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh ta đã và đang củng cố, duy trì sản phẩm đã được chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu với các sản phẩm đã đạt được. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn, đặc biệt là việc sử dụng, thu gom bao gói thuốc BVTV đúng cách; tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện thu gom, sơ chế, chế biến, phân loại, bảo quản các sản phẩm nông sản phục vụ các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp...

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới