Tạo sinh kế từ trồng cây dược liệu Kỳ I: Từ chủ trương đúng

Với mục tiêu vừa giữ màu xanh cho rừng, vừa bảo tồn nguồn gien, khai thác dược liệu theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân, năm 2017, tỉnh Sơn La đã ban hành quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, những "đường băng xanh" giữ rừng bằng cây thảo quả, sa nhân ngày một nối dài ở nhiều xã, bản vùng cao. Cây dược liệu đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế và bảo vệ rừng.

Vườn ươm giống sa nhân của Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp.

Thoát nghèo từ trồng dược liệu

Tháng 10 này, ở các xã vùng cao của các huyện Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu và Sốp Cộp đang mùa thu hoạch sa nhân, thảo quả. Cách nghĩ, cách làm mới trong phát triển kinh tế từ rừng đã và đang giúp cho bà con các dân tộc nơi đây xóa được đói, giảm được nghèo. Đó là câu chuyện từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Cùng lãnh đạo và cán bộ của một số huyện đi thăm những mô hình trồng cây dược liệu ở vùng cao, chúng tôi chứng kiến không ít những bất ngờ. Được biết, từ nhiều năm trước, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa, sắn trên nương, rồi tự do khai thác lâm sản, phá rừng làm nương, săn bắt thú rừng hoang dã... vô tình làm cạn kiệt tài nguyên rừng, nơi nuôi sống chính bản thân họ. Tìm lời giải cho bài toán sinh kế, vừa bảo vệ rừng, lại bảo vệ được nguồn dược liệu quý không hề dễ dàng. Sau rất nhiều nghiên cứu thực tế, tham gia các cuộc hội thảo, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn, ngày 21/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3256/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để hiện thực hóa chủ trương này, tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây dược liệu. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử của đồng bào vùng cao với rừng; nhiều người một thời từng là thợ “xẻ thịt rừng”, hôm nay lại trở thành những người tiên phong trong việc trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, kết hợp với trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

Tìm hiểu về những câu chuyện phát triển kinh tế từ rừng, chúng tôi tìm gặp ông Tòng Văn Vinh, Trưởng bản Phổng, là một trong những hộ tiên phong trồng cây sa nhân tím ở xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp. Bản Phổng thật yên bình, tuyến đường từ trung tâm xã vào bản đã được đổ bê-tông, xen vào đó là những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được xây kiên cố, khang trang  bên những vườn bưởi da xanh, quýt canh, cam Vinh sai trĩu quả. Dừng chân giữa vườn sa nhân tím 3 năm tuổi cao lút đầu người, từng chùm quả sa nhân ken dày dưới gốc, che kín mặt đất, ông Vinh chia sẻ với chúng tôi: Năm 2016, cán bộ huyện và xã xuống bản tuyên truyền, vận động tham gia mô hình thí điểm trồng sa nhân tím, cả bản đã có 15 hộ đăng ký trồng trên 10 ha sa nhân. Năm ngoái, cây mới bói nên thu hoạch chưa bao nhiêu, nhưng năm nay chắc chắn sẽ thu được hơn 1 tấn quả, với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg quả tươi, sẽ thu về không dưới 50 triệu đồng. Thêm nữa, khu đất này trước đây bỏ hoang, chỉ toàn dây leo và cỏ dại, nhưng sau khi phát dọn, làm đất để trồng sa nhân, cây lên tốt nên mỗi năm chỉ phải làm cỏ một lần, lại không phải bón phân, phun thuốc. Năm nay, ngoài thu hoạch quả, nhà tôi còn bán được trên 32 triệu đồng tiền cây giống. 

Cán bộ kiểm lâm huyện Sốp Cộp tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cho người dân xã Nậm Lạnh.

Là người tham gia triển khai và giám sát dự án trồng sa nhân tím, trực tiếp dẫn đoàn cán bộ huyện và một số hộ dân bản Phổng đi học tập kinh nghiệm trồng sa nhân tại tỉnh bạn, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cung cấp thêm cho chúng tôi một số thông tin: Dự án “Hỗ trợ trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên theo Chương trình 135 tại xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp” triển khai từ năm 2016; các hộ được hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, kinh phí trên 390 triệu đồng (dự án hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp). Sau gần 4 năm triển khai, Dự án đã giúp nhiều hộ tăng thu nhập, thoát nghèo nhờ bán quả sa nhân và cây giống. Đặc biệt, khu vực trồng sa nhân từ đó đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, diện tích rừng được khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển tốt.

Cũng là trồng cây dược liệu dưới tán rừng, bà con đồng bào Mông xã Háng Đồng (Bắc Yên) lại chọn trồng thảo quả. Theo chị Thào Thị Dụ (bản Háng Đồng B), bây giờ cả bản nhà nào cũng trồng thảo quả, ít thì vài chục hom, nhiều lên đến hàng trăm hom. Để cây phát triển tốt, bà con thường trồng ở những khe núi, bởi giống cây thảo quả ưa mát, chuộng nước, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ chừng 3 năm là được thu hoạch. Chị Dụ không giấu giếm: Vụ này, nhà tôi thu khoảng hơn 4 tạ quả, được hơn 10 triệu đồng, nhưng trong bản có nhà còn thu trên 100 triệu đồng.

Nhặt một chùm thảo quả, dùng dao tách vỏ lấy hạt, ông Hờ A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Háng Đồng cho biết đây là vị thuốc quý của đồng bào Mông, người bị đau bụng chỉ cần ăn vài hạt là khỏi ngay, thảo quả cũng là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của đồng bào Mông, nhất là món thắng cố. Cây thảo quả đã được trồng trên địa bàn xã từ lâu nhưng phát triển mạnh thì mới vài năm trở lại đây; cả xã hiện có trên 100 ha giống cây này, tập trung nhiều ở các bản Háng Đồng A, Háng Đồng B, Chống Tra... Nhờ loại cây này, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm được nhà khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Điển hình là hộ ông Thào A Phềng với 3,5 ha thảo quả; hộ ông Mùa A Sua 2 ha..., thu nhập hằng năm từ 100 đến trên 200 triệu đồng. 

"Đường băng xanh" cản lửa, giữ rừng

Thực hiện giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; gắn việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng, cùng với việc triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng để người dân có thu nhập từ bảo vệ và phát triển rừng, đã mang lại những tín hiệu vui. Những vạt sa nhân, thảo quả không chỉ mang đến thu nhập cho bà con, mà còn tạo nên những “đường băng xanh” cản lửa hữu hiệu, chống cháy rừng. Theo ông Hà Văn Hùng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp: Cây sa nhân thuộc họ gừng, thân thảo, sống dưới tán rừng, lá xanh quanh năm nên hầu như không tạo vật liệu cháy. Đặc biệt, nhờ đặc tính “sinh trưởng nhảy”, nghĩa là rễ cây xiên ngang mặt đất và nảy chồi phát tán thành cụm, chỉ sau khoảng 3 - 4 năm, loại cây này “nhảy” kín mặt đất, lấn át tất cả các loại cây dại khác. Cũng vì ưu điểm này nên cây sa nhân có khả năng chống xói mòn, giữ ẩm cho đất rất tốt. Còn cây thảo quả phân bố nhiều ở những nơi có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình từ 15-200C, lượng mưa nhiều, thích hợp trồng dưới tán rừng có nhiều mùn, độ ẩm cao, gần khe suối. Trồng đến năm thứ ba, sa nhân mới bắt đầu cho thu hoạch, quả ra ở gốc, kết thành chùm, khi chín có mầu đỏ mận, sản lượng những năm đầu bình quân từ 1-3 tạ quả/ha, càng về sau, nếu được chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt 5-6 tạ quả/ha.

Mô hình trồng thảo quả ở bản Háng Đồng B, xã Háng Đồng (Bắc Yên).

Thực tế ở bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) và nhiều xã vùng cao trên địa bàn tỉnh, trước đây chưa trồng cây dược liệu thì tình trạng cháy rừng thường xuyên xảy ra, do dưới tán rừng cỏ dại mọc nhiều, khi người dân phát dọn nương và đốt lửa đã làm cháy lan sang rừng. Từ ngày trồng sa nhân, thảo quả, những khu vực ngoài bìa rừng trở thành những “đường băng xanh” cản lửa, chống cháy rừng hiệu quả, nhiều năm trở lại đây không còn tình trạng cháy rừng xảy ra. Trồng cây dược liệu vừa tạo thêm việc làm, vừa tăng thu nhập, lại góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, PCCCR.

Như vậy, có thể thấy, việc triển khai chủ trương của tỉnh,  phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở các xã vùng cao đang là giải pháp hữu hiệu, vừa giữ được rừng, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo tồn, khai thác hợp lý, tìm đầu ra ổn định cho cây dược liệu, nâng cao thu nhập của bà con nhân dân các dân tộc. Chỉ như vậy, bài toán giữ rừng, tạo sinh kế từ rừng mới thực sự bền vững, hiệu quả.

     (Còn nữa)

Thu - Hiền

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới