Tăng cường phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lũ

Thời gian này đang là cao điểm của mùa mưa bão, các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống bão lũ, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong phòng, tránh và khắc phục hậu quả bão lũ, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhà nước và nhân dân.

Trong những ngày (từ 1 đến 5/8), do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn toàn tỉnh liên tục có những đợt mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng, xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, ngập úng, gây thiệt hại về tài sản, nhà ở, công trình giao thông và sản xuất của nhân dân. Tại địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, mưa lũ đã làm 1 người mất tích, 20 nhà bị sạt lở phải di chuyển, 107 nhà bị ngập, 13 nhà bị tốc mái, 2 điểm trường học bị ngập, làm ướt hỏng nhiều đồ đạc, dụng cụ của các hộ dân trong vùng bị ngập lụt; 1 ha ngô bị đổ, gãy; vùi lấp, cuốn trôi 5 con gia súc, 350 con gia cầm; tràn, vỡ 2,58 ha ao cá; ngập úng nhiều diện tích sản xuất; trên hệ thống 9 tuyến quốc lộ có khoảng 521 điểm và 16 tuyến đường địa phương có khoảng 315 điểm sụt, trượt taluy dương, sa bồi, ngập úng, tổng thiệt hại về giao thông ước trên 3 tỷ 700 triệu đồng...

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa tháng 8/2019 phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%; từ tháng 8-10/2019, trên các sông suối sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên các sông phổ biến ở mức báo động 1 đến báo động 2 và trên báo động 2; riêng các sông suối nhỏ trên báo động 3; lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Việt Bắc và Tây Bắc. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và thiên tai lũ lụt, các địa phương  cần chủ động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đối với những vùng xảy ra lũ lụt, tập trung giúp đỡ, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại, tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, chảy xiết, đường ngầm, khe suối để hướng dẫn người, phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cư trú tại các ven sông, suối, khe lạch triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ quét, sạt lở, lốc, sét, an toàn tính mạng và tài sản. Cùng với đó, triển khai các biện pháp bảo vệ, phòng tránh, khắc phục công trình kết cấu hạ tầng, diện tích sản xuất cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn; kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, các khu vực ven sông, suối, taluy, sườn đồi, chân vách núi đá, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp để chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, tuần tra triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hồ đập xung yếu đang giai đoạn thi công, sửa chữa và việc vận hành các nhà máy thủy điện, các tuyến đường giao thông xung yếu, huyết mạch; an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, chủ động các phương án, chuẩn bị các điều kiện ứng phó kịp thời và khẩn trương khắc phục hậu quả, nhằm giảm mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Ban chỉ huy phòng, chống lũ bão và giảm nhẹ thiên tai các cấp bổ sung phương án phòng, chống mưa lũ, chủ động xây dựng phương án dự phòng ngân sách, sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Các ngành thành viên Ban chỉ huy phòng, chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp căn cứ nhiệm vụ được phân công chủ động rà soát các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả, nhất là lực lượng, phương tiện, hậu cần, trang thiết bị; nắm chắc lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại địa phương và các lực lượng dự bị khi cần thiết ở cấp bản, xã, huyện. Tổ chức luyện tập, diễn tập kỹ năng phòng, chống bão lũ cho cơ sở để nâng cao năng lực, khả năng, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và cảnh báo thiên tai; chủ động triển khai các phương án phòng, tránh lũ bão từ cơ sở; thực hiện phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đó là các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới