Tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh, nhất là vào thời tiết thường xuyên có mưa và nắng nóng, thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhiễm, trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh dịch hiệu quả nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan rất cao. Công tác phòng, chống dịch đang đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi không chủ quan, lơ là, nhất là việc chậm khai báo, tiêu hủy lợn mắc bệnh; tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ và nhập gia súc vào địa bàn.

Chốt kiểm dịch động vật ở bản Mòn, xã Thôm Mòn (Thuận Châu).

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 57 tổ bản, 31 xã, phường ở các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Mộc Châu, Thuận Châu, Vân Hồ, Mai Sơn và thành phố Sơn La với 1.055 con lợn mắc bệnh; trong đó, có 1.047 con lợn chết và tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 60 tấn. Hiện, còn 22 xã có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra bởi loại vi-rút có ADN phức hợp, có đặc tính đặc biệt đề kháng và tồn tại thời gian dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn. Lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có biện pháp điều trị, với tỷ lệ chết 100%.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Hiện nay, thời tiết thường xuyên có mưa và nắng nóng dẫn đến độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhiễm, trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan rất cao.

Do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, nên việc giám sát dịch bệnh ở một số địa phương chưa tốt, chậm phát hiện và thông tin báo cáo dịch chưa kịp thời; vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ và không ít hộ vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện tốt công các phòng, chống dịch bệnh, thả rông lợn ra môi trường. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nên việc kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn. Tỉnh ta thường xuyên phải nhập một số lượng lớn gia súc, gia cầm từ các tỉnh khác để làm thực phẩm hoặc làm giống, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm vào địa bàn.

Lơ là, chủ quan, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng của người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển lợn là một trong những nguyên nhân căn bản làm tái phát dịch bệnh trên địa bàn. Hệ lụy đã gây thiệt hại không nhỏ tới các hộ chăn nuôi lợn, số lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh lớn dẫn đến suy giảm đàn lợn, mất cân đối cung cầu, tạo cơ hội cho người kinh doanh đẩy giá thịt lợn lên cao trên thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đó là chưa kể đến những thiệt hại trực tiếp về kinh tế đối với các hộ chăn nuôi khi đàn lợn nuôi buộc phải tiêu hủy do nhiễm bệnh. Tuy được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, nhưng cũng không bù đắp được.

Theo khuyến cáo của  Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, các hộ chăn nuôi phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch; phải kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh, có lưới bao xung quanh và biện pháp khác ngăn chặn vật chủ trung gian truyền bệnh như: Chuột, chim, ruồi, muỗi....

Tại lối ra vào chuồng nuôi, phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi; có ô chuồng nuôi cách ly nuôi lợn mới nhập; có khu vực thu gom và xử lý chất thải; nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô để giảm thiểu lợn tiếp xúc với nhau. Không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng; đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải đảm bảo kín.

Nước thải ô chuồng nào thoát riêng ô chuồng đó. Trong trường hợp lợn chết hoặc lợn ốm cần khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm. Không tới thăm khu chăn nuôi lợn, tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với lợn ở vùng dịch và bị ảnh hưởng; không cho lợn ăn thức ăn thừa không đảm bảo hay đồ ăn có chứa thịt. Cùng với đó, các địa phương cần tuyên truyền người dân các tổ, bản, tiêu khu bổ sung quy ước, hương ước về việc không nuôi lợn thả rông.

Để giúp các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát giết mổ động vật và việc vận chuyển gia súc, gia cầm, các sản phẩm động vật ra, vào địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh ở động vật.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới