Tăng cường công tác quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp trong công tác quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong bảo vệ cây trồng, hạn chế tới mức thấp nhất sự phá hoại của những sinh vật gây hại. Nhờ đó, năm 2017, Chỉ số về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; là một trong hai tỉnh, thành phố tiếp tục giữ vị trí trong nhóm 10 tỉnh đứng đầu; giá trị hàng hóa nông sản thực phẩm tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2017 đạt trên 68 triệu USD; trong đó đã có các sản phẩm rau, quả đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường Úc, Mỹ, Pháp, Thụy Sỹ và Hàn Quốc.

 

Thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV tại xã Phiêng Luông (Mộc Châu).

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, tại các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới, đặc biệt khó khăn, người dân thiếu hiểu biết, nhận thức còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng lạm dụng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc diệt cỏ, sử dụng không đúng hướng dẫn; bảo quản thuốc bảo vệ thực vật ở những nơi không an toàn, không trang bị bảo hộ lao động khi dùng thuốc; vỏ bao bì thuốc còn vứt bừa bãi tại nương rẫy, đầu nguồn nước dẫn tới xảy ra những vụ ngộ độc, nhiễm độc do thuốc bảo vệ thực vật gây ra; có tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định. Công tác quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các sở, ngành với các huyện, thành phố còn chưa thường xuyên, hệ thống chính trị cấp cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm an toàn nông sản thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái; ngày 22/5/2018, Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Thông báo số 1147-TB/TU về tăng cường công tác quản lý kinh doanh, mua bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: tăng cường quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm xây dựng nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức, văn hóa sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình, người dân, trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là các xã, bản vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn bằng nhiều hình thức đa dạng  như tập huấn, hội thảo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, áp phích, tờ rơi, bản tin, trên loa đài...  Phát động các đợt ra quân cao điểm trong tuyên truyền quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào trước mùa vụ gieo trồng. Thực hiện các giải pháp xử lý chất thải nguy hại; thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;  nghiêm cấm việc sử dụng thuốc diệt cỏ tại các khu vực đầu nguồn nước; phối hợp giữa các ngành chức năng, các huyện, thành phố trong công tác quản lý và xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình công tác cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo hội viên, đoàn viên tích cực tuyên truyền và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về quản lý thuốc bảo vệ thực vật  góp phần bảo đảm an toàn nông sản thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.

Hải Nam

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới