Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy rừng gây thiệt hại 450 ha rừng, trong đó, hơn 263 ha rừng trồng đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản lâm sinh, mức độ thiệt hại từ 70-100%; 186,1 ha rừng trồng đã thành rừng và rừng tự nhiên, mức độ thiệt hại từ 5-15%. Có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng như thời tiết hanh khô kéo dài trên diện rộng; thiếu đường băng cản lửa, phương tiện kỹ thuật chữa cháy chưa đảm bảo; nhận thức của một bộ phận người dân trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

 

Hiện, toàn tỉnh quản lý, bảo vệ hơn 614.577 ha rừng, trong đó: Rừng tự nhiên hơn 587.706 ha, rừng trồng 26.871 ha. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời gian tới, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp và bất thường, gây ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ cháy rừng rất cao, thường xuyên ở mức cảnh báo cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Do vậy, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng đến các tầng lớp nhân dân và chủ rừng. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, nhất là vào thời điểm nhân dân phát dọn thực bì, đốt nương làm rẫy, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

 

Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã, bản, các chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và kiểm soát nguy cơ cháy rừng. Rà soát, bổ sung, xây dựng phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ"; chỉ đạo UBND xã, chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy ở khu vực rừng trồng; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa ở diện tích rừng có nguy cơ cháy cao; duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, khô hanh. Đối với lực lượng kiểm lâm, thường xuyên duy trì trên 50% quân số trong công tác trực và ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Các cấp chính quyền địa phương quy định cụ thể về thời gian, khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao. Tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện các quy định bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Tăng cường chế độ hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện, thành phố trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR của các đơn vị cơ sở; chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động và sẵn sàng ứng cứu kịp thời các vụ cháy rừng. Xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung quy ước, hương ước có nội dung bảo vệ rừng và PCCCR đến từng thôn, bản… Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, theo dõi, phát hiện lửa rừng để kịp thời triển khai các biện pháp PCCCR, không để lửa cháy lan diện rộng. Củng cố, duy trì hoạt động các tổ, đội quần chúng bảo vệ PCCCR ở các tổ, bản, tiểu khu trong việc tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, nhất là kịp thời tham gia dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, chưa lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh phân vùng trọng điểm cháy rừng ngoài thực địa vào bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng đã được xác định, như: Các khu rừng bị ảnh hưởng bởi thời tiết băng giá, các khu rừng trồng đang trong giai đoạn chăm sóc, các khu vực đang thực hiện khoanh nuôi tái sinh; các khu rừng gần nương rẫy, gần khu dân cư để áp dụng các biện pháp PCCCR thích hợp.

 

Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR; có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng cấp tỉnh để sẵn sàng ứng cứu, chữa cháy rừng khi tình huống xảy ra. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về PCCCR; thực hiện tốt công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, thông tin tới nhân dân, các chủ rừng, các địa phương trong tỉnh chủ động các biện pháp PCCCR phù hợp. Các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm - Công an - Quân đội) thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong công tác PCCCR; đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần sẵn sàng phối hợp ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.

 

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ rừng và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện các quy định về PCCCR; chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là cơ sở để phát triển vốn rừng, bảo đảm môi sinh, môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới