Sức xuân vùng động lực kinh tế

Mai Sơn nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm của tỉnh (Thành phố - Mai Sơn - Mường La). Là vùng đất nhiều tiềm năng lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Ngoài vùng cây nguyên liệu tập trung, như mía, sắn, cà phê, vùng cây ăn quả phục vụ cho các nhà máy mía đường, tinh bột sắn, Mai Sơn còn có nhiều nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn. Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, vùng động lực kinh tế của tỉnh trên địa bàn huyện đang có sự chuyển biến tích cực.

 

 

Nhà máy Mía đường Sơn La.  

Ảnh: PV

 

Sức sống vùng nông thôn

 

Chúng tôi đến thăm vườn ươm cây giống của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn (tiểu khu Nà Sản) trong tiết trời xuân ấm áp. Hàng trăm nghìn các loại cây giống mới được ươm của HTX như nhãn ghép chín muộn, xoài, chanh, bưởi da xanh, cam Vinh,... vươn những chiếc lá xanh non đón ánh nắng xuân, khẽ rung rinh khi cơn gió thổi nhẹ qua làm nên một vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Là HTX không chỉ thành công trong việc ươm, ghép các cây ăn quả và cây có múi đầu dòng mang lại thu nhập cao cho thành viên, HTX còn gắn kết chặt chẽ người lao động với việc sản xuất chuỗi giá trị hàng hóa nông sản bền vững, cung cấp ra thị trường nhiều giống cây đầu dòng chất lượng, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương. Cùng với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn, trên địa bàn Mai Sơn còn đang có nhiều các HTX khác thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả và một số cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, như: Hợp tác xã Ngọc Hoàng; Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, Hợp tác xã Tân Thảo và Hợp tác xã Thanh Sơn; HTX Chanh leo Hữu cơ 666.28...

 

Xác định cải tạo vườn tạp, trọng tâm là vùng cao nguyên Nà Sản, các vùng lân cận và phát triển cây ăn quả là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, cấp ủy chính quyền các cấp từ huyện đến các xã ở Mai Sơn kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, phát triển bền vững, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân. Hiện tổng diện tích cây ăn quả  trên địa bàn đạt 8.623 ha, gồm: Xoài, nhãn, thanh long..., trong đó có 379 ha diện tích sản xuất quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap; toàn huyện có 11 mã vùng trồng (nhãn, xoài...) với tổng diện tích 87,1 ha, tại các HTX: Nhãn chín muộn, Ngọc Lan, Nhãn Cò Nòi, Bưởi nhãn an toàn 8X, Thiên Tân, Đại Phát, Đoàn Kết, Dịch vụ nông nghiệp Tiền Phong; chỉ dẫn địa lý (cà phê), thương hiệu sản phẩm (Na Mai Sơn), nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo số lượng, chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường và phục vụ xuất khẩu.

 

Trong đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, một số mô hình sản xuất rau, quả, cây công nghiệp theo công nghệ tiên tiến trên địa bàn huyện đã cho thu nhập cao, được thị trường ưa chuộng, như: Mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hòa tan cho cây cà phê tại xã Chiềng Ban; phát triển sản xuất rau chất lượng trong nhà lưới, nhà kính; ứng dụng ghép mắt cải tạo vườn; phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng cải tạo giống và chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình để phát triển. Xây dựng, duy trì và phát triển chuỗi nông sản, thủy sản; đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng, duy trì và phát triển 11 chuỗi cung ứng rau, quả, thịt an toàn, trong đó: 5 chuỗi rau an toàn, diện tích sản xuất 41 ha; 4 chuỗi quả an toàn, diện tích 134 ha; 1 chuỗi thịt lợn; 1 chuỗi mật ong an toàn quy mô 35.000 đàn.

 

Công tác chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu được xác định là mẫu chốt giải quyết đầu ra cho người dân sản xuất. Huyện đã chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, khâu nối giữa các đơn vị thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất các sản phẩm thế mạnh của huyện như: Các sản phẩm quả, tinh bột sắn, cà phê và mía đường... Đến nay, sản phẩm hoa quả quả của huyện đã xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Úc, Trung Quốc... với sản lượng trên 6.400 tấn, tổng giá trị trên 5 triệu USD. Bên cạnh đó, Mai Sơn cũng đã tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác. Lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triên nông lâm nghiệp. Tập trung phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong việc làm đầu mối bao tiêu sản phẩm gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trên địa bàn huyện hiện có 115 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 100 HTX nông nghiệp; 15 HTX dịch vụ, thương mại, tín dụng. Phát huy những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế trên địa bàn huyện và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện về lĩnh vực nông nghiệp, đến năm 2020, toàn huyện có 5.000 ha cà phê, 6.000 ha mía, 4.500 ha sắn nguyên liệu, 9.893 ha cây ăn quả tạo vùng nguyên liệu chuyên canh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu...

 

 

Nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) thu hoạch cam.

Ảnh: PV

 

Sôi động vùng nguyên liệu và khu công nghiệp

 

Trong không khí của ngày xuân đầy hối hả trên vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La là sự bận rộn của những người nông dân trên những cánh đồng mía ngút ngàn; những chuyến ô tô từ các ngả đường chở đầy mía nối đuôi nhau vào nhà máy để dòng mật ngọt từ mồ hôi, công sức của những người nông dân được chuyển thành những mẻ đường trắng tinh khiết, lấp lánh vị ngọt cho đời. Để cây mía trở thành cây hàng hóa cho thu nhập cao đối với người dân, thời gian qua, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã và đang có nhiều hình thức phối hợp với người dân đẩy mạnh mở rộng diện tích đất trồng mía như quy hoạch, hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật... Hàng năm, dựa vào chính sách và phương thức đầu tư phù hợp, Công ty đã đầu tư 60 đến 70 tỷ đồng giống, vật tư ứng trước, dịch vụ cho bà con đủ để thâm canh mía theo nhu cầu. Với việc phát triển vùng nguyên liệu mang tính bền vững, thể hiện bằng nhiều các biện pháp thâm canh tiên tiến, các chính sách đầu tư thu mua hợp lý đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích vùng nguyên liệu tăng  lên hơn 7.000 ha. Với chiến lược đúng đắn, hiệu quả, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đang ngày càng phát triển đi lên trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

 

Đến thăm Khu công nghiệp Mai Sơn nằm trên địa bàn xã Mường Bằng - Mường Bon, đây là một trong 150 khu công nghiệp toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006 với tổng diện tích 150 ha, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I quy mô 63,7 ha, giai đoạn II quy mô 86,3 ha. Tại Chi nhánh tổng Công ty gas Petrolimex, các công nhân ở đây đang khẩn trương vận chuyển, sắp xếp các bình gas cung cấp cho Chi nhánh Xăng dầu Sơn La và Công ty Xăng dầu Điện Biên phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tại Công ty TNHH Thanh Nhung, Công ty chuyên sản xuất chế biến lâm sản không khí cũng đang diễn ra rất sôi động bởi tiếng máy cưa và sự hối hả của những công nhân vận hành.

 

Được biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, trong đó có 9 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước và 1 doanh nghiệp FDI; Tổng vốn đầu tư đăng ký 830 tỷ đồng (trong đó tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt khoảng 484 tỷ đồng). Các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: điện quang năng, chế biến tinh bột sắn, sản xuất vật liệu không nung, chế biến lâm sản, sang chiết gas, nhũ tương nhựa đường. Diện tích đất công nghiệp đã cấp cho các nhà đầu tư là 33,88ha/44,29 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 77% diện tích đất giai đoạn I. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp bước đầu đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lũy kế đến hết tháng 8/2019, các nhà máy đã sản xuất, cung ứng ra thị trường 7,2 triệu viên gạch các loại; sản xuất trên 48.577 tấn tinh bột sắn; 127 tấn nhũ tương nhựa đường; 235 tấn than sinh học; san chiết gas đạt 2.740 tấn; chế biến hơn 540 m³ gỗ. Tổng giá trị doanh thu sản xuất kinh doanh đạt 607 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho gần 300 lao động; giá trị xuất khẩu 231 tỷ; nộp ngân sách Nhà nước (sau khi đã giảm trừ các khoản thuế được ưu đãi) khoảng 10 tỷ đồng. Hiện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La đang chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và giải phóng mặt bằng của giai đoạn II Khu công nghiệp Mai Sơn (từ năm 2021 đến 2025) theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Sơn La để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư đã khảo sát và dự kiến đầu tư vào Khu công nghiệp Mai Sơn.

 

Một mùa Xuân nữa lại về với vùng đất Mai Sơn được hội tụ bởi các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã và đang tô điểm, hoàn thiện bức tranh toàn diện về vùng kinh tế động lực của Sơn La.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới