Sức sống trên vùng quê tái định cư Quỳnh Nhai: Kỳ II: "An cư, lạc nghiệp" trên quê mới

Hôm nay, trên những vùng quê TĐC thủy điện Sơn La của huyện Quỳnh Nhai, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ; 100% hộ TĐC có nhà ở và các công trình phụ trợ khang trang hơn nơi ở cũ; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,3%... Người dân đã "an cư, lạc nghiệp", đoàn kết xây dựng "quê hương thứ hai" ngày một ấm no.

                                       

Một góc trung tâm huyện Quỳnh Nhai hôm nay.

             

Từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai trên con đường trải nhựa, chúng tôi về xã Mường Chiên - khu trung tâm hành chính huyện năm xưa. Câu chuyện của chúng tôi với anh Lừ Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã xoay quanh chủ đề về cuộc sống người dân sau di dân TĐC xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Thời điểm đó, 2/3 số dân trong xã thực hiện di chuyển đến nơi ở mới, Mường Chiên còn lại 6 bản, trong đó có 5 bản di vén (sau sáp nhập theo Nghị quyết 115/NQ-HĐND và Nghị quyết 119/NQ-HĐND tỉnh, xã còn 3 bản). Nhớ lại thời kỳ đó, anh Toản nói: Cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng trong huyện và ngoài huyện, bà con trong xã đã giúp đỡ nhau nhanh chóng dựng nhà ở, ổn định cuộc sống. Khi nước hồ dâng, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, khai thác tiềm năng diện tích mặt hồ phát triển nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản; nuôi gia súc nhốt chuồng; trồng cây ăn quả trên đất nương... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xã và sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, những khó khăn của thời kỳ đầu thực hiện di chuyển đã được giải quyết. Mường Chiên là xã thứ hai của huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016.

             

Du khách tham quan, mua sắm tại Trung tâm trưng bày giới thiệu

các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Quỳnh Nhai.

             

Qua trò chuyện với anh Lừ Văn Toản, chúng tôi phần nào hiểu được những nỗ lực của huyện, của xã trong việc ổn định cuộc sống người dân sau di dân TĐC. Ngay sau khi nước hồ dâng, được Nhà nước hỗ trợ, bà con trong xã triển khai nuôi cá lồng trên mặt hồ. Cùng vào cuộc, cán bộ chuyên môn của huyện đã vào xã xây dựng mô hình điểm nuôi cá để hướng dẫn người dân theo cách “cầm tay chỉ việc”, từ cách làm lồng, chọn cá giống, kỹ thuật chăm sóc... Hiện nay, toàn xã đã có 84 lồng cá; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 40 tấn cá/năm. Đàn gia súc, gia cầm cũng được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với trên 2.500 con gia súc và gần 10.000 con gia cầm. Cùng với đó, Ban Quản lý di dân huyện còn tổ chức cho người dân trong xã (mỗi gia đình 1 người) đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở huyện Mai Sơn và Yên Châu. Đồng thời, tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, giúp bà con chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế trên đất nương. Với cách làm đó, xã Mường Chiên hiện có 34 ha cây xoài, nhãn ghép đang phát triển tốt. Ngoài ra, bà con đã ký hợp đồng với Công ty Liên Việt trồng 150 ha cây mắc ca, hiện đang triển khai thực hiện...

             

Tuyến đường bản Bon, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) được bê tông hóa.

             

Trong chuyến công tác lần này về xã Mường Chiên, chúng tôi còn được du lịch trải nghiệm tại bản Bon. Người dân trong bản đã liên kết thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng, phục vụ khách du lịch thập phương đến trải nghiệm tắm suối khoáng, thưởng thức ẩm thực dân tộc, tham quan những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái trắng... Anh Điêu Văn Thái, chủ của dịch vụ tắm suối khoáng bản Bon nói: Dù chưa được đầu tư nhiều, cảnh quan thiên nhiên còn khá hoang sơ, nhưng đã thu hút khá đông khách du lịch. Nghề dịch vụ du lịch đã và đang được người dân phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động trong bản. Trò chuyện với anh Thái, chúng tôi cảm nhận được sự năng động trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Nhờ vậy, thu nhập bình quân ở xã đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,9% và 5,8% hộ cận nghèo. Mường Chiên đang trên đà khởi sắc.

             

Nông dân xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) trồng sả java.

             

Trở lại trung tâm huyện hôm nay thuộc địa bàn xã Mường Giàng – nơi đây đã đón 685 hộ dân các xã: Mường Chiên, Cà Nàng, Pá Ma Pha Khinh về 5 điểm TĐC tập trung và xen ghép tại một số xóm, cùng toàn bộ các cơ quan thuộc Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện, Ban CHQS huyện về đứng chân trên địa bàn. Không chỉ khu trung tâm hành chính huyện được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, mà tại các điểm TĐC cũng được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tâm sự với chúng tôi về cuộc sống của 159 hộ dân TĐC tại bản, gương mặt ông Là Văn Kiên, Trưởng bản Phiêng Nèn ánh lên niềm vui: Các hộ dân TĐC đều yên tâm, đoàn kết cùng nhân dân sở tại xây dựng cuộc sống trên quê hương thứ 2. Thu nhập bình quân của các hộ dân TĐC đạt 32 triệu đồng/người/năm.

             

Trò chuyện với đồng chí Lò Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã để hiểu hơn cuộc sống của các hộ dân TĐC trên địa bàn, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho rằng, cuộc sống của các hộ dân tại 5 điểm TĐC trên địa bàn xã hơn hẳn ở quê cũ. Hệ thống cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm đã đáp ứng nhu cầu của người dân; thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng/người/năm, chỉ còn hơn 10 hộ nghèo; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; người dân được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu...

             

Dù đồng chí Chủ tịch UBND xã Mường Giàng không nói nhiều, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong việc ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân TĐC, cũng như người dân sở tại đã “nhường cơm xẻ áo” hỗ trợ các hộ dân TĐC nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống nơi quê mới. Việc làm trước tiên sau khi ổn định nơi ăn chốn ở của các hộ TĐC, đó là xã triển khai hướng dẫn các hộ tiếp cận với việc trồng rau an toàn, chăn nuôi gia cầm làm hàng hóa, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La... Những năm gần đây, tập trung hướng dẫn việc chuyển đổi diện tích đất nương trồng ngô, trồng sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Hiện nay, 3 bản TĐC có trên 30 ha cây ăn quả các loại, như: Cam Vinh, táo đại, vải... Vụ năm 2019 được thu hoạch quả bói, sản lượng đạt 90 tấn quả. Ngoài ra, còn trồng được 15 ha sả java, thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Riêng bản Pá Uôn được sự hỗ trợ theo Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đã đầu tư nuôi hơn 600 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La, sản lượng đạt 300 tấn cá/năm... Điều mừng là, nhiều con em của các hộ dân TĐC theo học các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh đã trở về góp sức xây dựng quê hương thứ hai, như các anh, chị: Lừ Mai Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã; Vũ Đức Mạnh, Bí thư Đoàn xã... Yên tâm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc là điểm chung của tất cả các hộ dân TĐC trên địa bàn xã Mường Giàng hôm nay.

             

Tiếp tục hành trình về xã Chiềng Bằng, nơi mà cách đây 16 năm, xã được huyện chọn làm điểm di chuyển dân đầu tiên trong công tác di dân TĐC thủy điện Sơn La. 100% các bản trong xã thực hiện di chuyển, với tổng số 1.412 hộ di chuyển trong xã, trong huyện và ngoài huyện, trong đó, 1.050 hộ di chuyển đến 22 điểm TĐC tập trung trong xã và 1 điểm TĐC xen ghép. Câu chuyện được nhắc nhiều giữa chúng tôi với người dân trong xã là chặng đường ổn định cuộc sống tại các điểm TĐC. Năm 2010, Chiềng Bằng được triển khai thực hiện mô hình điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, với tổng số 20 lồng cá. Đến hôm nay, nuôi cá lồng đã trở thành một trong những nghề chính của người dân. Cả xã có 18 HTX thủy sản, với tổng số 3.700 lồng cá, sản lượng trung bình 560 tấn/năm. Ngoài ra, bà con còn trồng hơn 100 ha cây ăn quả các loại trên đất nương, hiện đang phát triển tốt. Đồng thời, chăn nuôi  8.900 con gia súc và 44.400 con gia cầm... Phấn khởi khoe với chúng tôi về cuộc sống khá giả từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, anh Lềm Văn Sơn, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng nói: Sau tái định cư nhường đất xây dựng công trình nhà máy thủy điện Sơn La, diện tích mặt nước lòng hồ rộng mênh mông, là cơ hội cho các hộ dân trong bản phát triển nghề nuôi cá lồng. Năm 2010, Nhà nước đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng điểm nhằm giúp các hộ dân nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, từ đó nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh, kết hợp đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Hiện nay, gia đình tôi có 16 lồng cá, trừ chi phí, mỗi năm thu 200 triệu đồng, chúng tôi không còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa mà đã và đang vươn lên làm giàu.

             

 Về Chiềng Bằng lần này, chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng khởi sắc. Điều đó được minh chứng bằng tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,98%; hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hóa các bản... được đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được quan tâm chăm lo chu đáo. Năm 2016, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân đoàn kết, tin tưởng đi theo con đường đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo để có tương lai tươi sáng...

             

Thật khó có thể kể hết được những đổi thay của các vùng quê TĐC Quỳnh Nhai hôm nay. Nhưng điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất là điểm chung về cuộc sống của người dân ở tất cả các điểm TĐC trên địa bàn huyện sau chặng đường 16 năm trên quê hương thứ hai đó là, tốt hơn nhiều lần so với nơi ở cũ. Đó cũng là sự bù đắp xứng đáng cho những hy sinh của họ, để dòng điện thắp sáng mọi miền Tổ quốc hôm nay.

             

Hồng Luận - Trần Hiền

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới