Sức bật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Sau 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020”, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, sản xuất lương thực nói riêng của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Tình trạng thiếu đói được giải quyết, đảm bảo 100% người dân có đủ lương thực; một số hàng nông sản, như: Các loại quả, sữa, thịt bò, ngô đứng đầu khu vực 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

  

 

Vườn bưởi da xanh trồng theo quy trình VietGAP của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn).

                 

Xác định, an ninh lương thực nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh đã lập, phê duyệt, rà soát điều chỉnh bổ sung 18 quy hoạch ngành, sản phẩm ngành nông nghiệp. Trong đó, quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản, như: quy hoạch 9.230 ha vùng nguyên liệu chè, 10.000 ha cà phê, 25.500 ha sắn, 34.500 ha cây dược liệu, 2.250 ha cỏ để phát triển bò sữa, 1.000 ha sản xuất rau an toàn tập trung, 100.000 ha cây ăn quả... Các huyện, thành phố căn cứ vào điều kiện thực tế tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đúng định hướng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

                 

Để tạo đà thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với giải quyết những vấn đề về thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Công tác rà soát, đào tạo nguồn lao động phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, đã có trên 9.400 lao động nông thôn được đào tạo trình độ sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, thông qua chương trình khuyến công, tỉnh đã hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng đào tạo nghề cho 505 người. Hiện, đang hỗ trợ 13 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

                 

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, từ công tác rà soát, quy hoạch, tham vấn đầu tư, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, đã tạo chuyển biến tích cực. Sản xuất lương thực từ tự cung tự cấp chuyển sang sản xuất quy mô hàng hóa; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, giảm diện tích lúa nương, tăng diện tích lúa ruộng. Năm 2019, sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đạt 581 nghìn tấn, bình quân lương thực đạt 464 kg/người/năm. Duy trì và phát triển 9,6 nghìn ha rau các loại, nhiều diện tích cho hiệu quả kinh tế cao, như: Su su 150 triệu đồng/ha, cà chua 200 triệu đồng/ha, cải mèo 180 triệu đồng/ha, xà lách cuộn 220 triệu đồng/ha... Diện tích cây ăn quả tăng lên hơn 74.000 ha, sản lượng đạt 280.000 tấn. Nhiều loại quả đạt hiệu quả kinh tế cao, như: Chanh leo tím, bơ ghép 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha, nhãn ghép 360 triệu đồng/ha, na hoàng hậu ghép 1 tỷ đồng/ha. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, sản lượng thịt hơi các loại đạt 70,8 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 8 nghìn tấn... Đến nay, toàn tỉnh có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; 18 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài; 623 hợp tác xã và 5 liên hiệp hợp tác xã. Phát triển và duy trì hiệu quả 124 chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản, thủy sản an toàn. Thu hút đầu tư 13 nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Năm 2019, đã xuất khẩu 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị xuất khẩu đạt 142 triệu USD (tăng 26% so với năm 2018). Nhu cầu về dinh dưỡng cũng như khả năng tiếp cận lương thực của người dân được đảm bảo và nâng cao. 

                 

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những khâu đột phá, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt... Tin rằng, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong tương lai, tỉnh ta sẽ trở thành trung tâm chế biến nông sản của tiểu vùng Tây Bắc.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới