Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Kỳ họp thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu; Chuẩn bị tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình hai miền Triều Tiên bị ly tán; Ông R.T. Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ; Dự luật Brexit chính thức trở thành Luật; Chính sách nhập cư chính quyền của Tổng thống Trump bị khởi kiện; Mexico bắt đầu tiến hành tổng tuyển cử;… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Kỳ họp thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự GEF6.

Kỳ họp lần thứ 6 của Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) và các sự kiện liên quan tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) diễn ra từ ngày 23/28/6 đã thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cơ quan môi trường của hơn 180 quốc gia; các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các chuyên gia, diễn giả đã thảo luận về những vấn đề môi trường của thế giới cho nhiệm kỳ hoạt động 4 năm tiếp theo.

Với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng và các sự kiện liên quan, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp.

Tham dự và phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể GEF6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam: ‘‘Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững’’. Nhấn mạnh tương lai phát triển bền vững của nhân loại phụ thuộc vào hành động hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các tổ chức, các quốc gia cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”.

Tại Phiên khai mạc toàn thể Đại hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã được bầu làm Chủ tịch Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF, bà Naoko Ishii cho rằng, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng cho tất cả các đại biểu tham dự Kỳ họp. Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch GEF nhấn mạnh, Đại hội đồng lần này ở vào một thời điểm quan trọng, quyết định cho tương lai của trái đất và nhân loại. Đây là thời điểm cần phải chuyển đổi các kịch bản phát triển kinh tế thông thường sang kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc muốn trở thành quốc gia đi đầu về tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần chuyển đổi về mô hình phát triển, cần sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế và khai thác thế mạnh của các nhóm cộng đồng.

Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị bên lề, tham gia sâu vào các Phiên họp bàn tròn cấp cao tại Kỳ họp. Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay về rác thải nhựa đại dương, tại các Hội nghị bàn tròn cao cấp về chủ đề này, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đề xuất của Việt Nam về xây dựng và thực hiện sáng kiến quản lý rác thải nhựa trên biển tại khu vực Đông Nam Á đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ. Hội nghị bên lề về Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững đã đề cập đến giải pháp nhằm khai thác thế mạnh về đa dạng sinh học của Việt Nam cho phát triển du lịch bền vững.

Chuẩn bị tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình hai miền Triều Tiên bị ly tán

Ngày 27/6, nhóm kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán gồm 20 người do Vụ trưởng Vụ hợp tác nhân đạo thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Byung-dae làm trưởng đoàn, đã tới núi Kumgang, Triều Tiên. Theo kế hoạch, nhóm trên sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng cơ sở vật chất tại các địa điểm liên quan ở núi Kumgang, trong đó có Trung tâm đoàn tụ các gia đình ly tán, nơi sẽ diễn ra sự kiện đoàn tụ. Trung tâm đoàn tụ các gia đình ly tán ở núi Kumgang đã không được sử dụng trong gần ba năm qua, sau lần đoàn tụ gần đây nhất vào tháng 10/2015. Chính phủ Hàn Quốc sẽ dựa trên kết quả của nhóm kiểm tra để cử nhân lực tới tiến hành sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất tại núi Kumgang trong tháng 7 và tháng 8, đảm bảo sẵn sàng cho sự kiện đoàn tụ.  

Trước đó, trong cuộc họp ngày 22/6 của Hội Chữ thập đỏ hai miền Triều Tiên, hai nước Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã đạt được nhất trí về địa điểm và thời gian tổ chức đợt đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Theo đó, các hoạt động đoàn tụ của các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh sẽ diễn ra tại khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang, thuộc phía Bắc biên giới Triều Tiên từ ngày 20 đến 26/8 tới.

Đây là đợt đoàn tụ đầu tiên trong vòng 3 năm qua cho các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Đây cũng được coi là bước tiến mới trong xu thế cải thiện quan hệ giữa hai miền, kể từ sau thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 vừa qua tại khu vực biên giới chung giữa hai nước.   

Ông Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 25/6/2018, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và liên minh do đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông đứng đầu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội nước này diễn ra một ngày trước đó.

Với việc giành được khoảng 52,5% số phiếu bầu, bỏ xa đối thủ chính là ứng cử viên Muharrem Ince/đại diện đảng Nhân dân cộng hòa (CHP), ông Erdogan đã dễ dàng tránh phải đối đầu trong cuộc bầu cử vòng 2.

Chiến thắng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và đảng AKP được xem là “bước ngoặt” đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống chính trị mới tại quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) này. Không chỉ được gia tăng quyền lực để đối phó hàng loạt thách thức an ninh và kinh tế, kết quả bầu cử này còn là cơ hội để ông Erdogan cụ thể hóa những thay đổi căn bản trong Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, đã được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, theo đó chuyển từ chế độ chính trị nghị viện sang chế độ tổng thống.

Sau khi tuyên bố đắc cử, Tổng thống Erdogan đã cam kết chính sách đối nội và đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dành ưu tiên bảo đảm duy trì an ninh và ổn định trong nước, song để bảo đảm vị thế của một quốc gia thành viên NATO có vị trí địa chính trị chiến lược, trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp, các nhà phân tích cho rằng, sẽ còn nhiều khó khăn đang chờ Tổng thống Erdogan ở phía trước.

Dự luật Brexit chính thức trở thành Luật

Ngày 26/6/2018, dự luật Anh rút khỏi Liên minh châu Âu của Chính phủ Anh, hay còn gọi là dự luật Brexit, đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phê chuẩn, mở đường cho nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Trước đó, vào ngày 20/6, dự luật Brexit cũng đã được Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 319 phiếu ủng hộ và 303 phiếu chống. Hạ viện đã bác đề nghị trao quyền cho các nghị sĩ để tránh xảy ra kịch bản nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không đạt được thỏa thuận nào. Trong khi đó, Thượng viện cũng đã chấp thuận những sửa đổi của chính phủ, trong đó cam kết coi trọng vai trò của nghị viện trong thỏa thuận cuối cùng về Brexit.

Việc ban hành Luật Brexit được đánh giá là một “bước tiến quan trọng” trong hoạt động chuẩn bị của Anh, và là “thời điểm tốt đối với tất cả những ai muốn có cuộc chia tay với Liên minh châu Âu trong suôn sẻ và có trật tự”.

Tuy nhiên, thực tế tiến trình đàm phán về Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu vẫn được nhận định là còn rất nhiều chông gai phía trước. Hiện những bế tắc giữa hai bên về vấn đề đường biên giới Ireland khiến người ta lo ngại tiến trình “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu khó đạt được đúng hẹn là vào trước cuối năm 2018.

Chính sách nhập cư chính quyền của Tổng thống Trump bị khởi kiện

Ngày 26/6, trong nỗ lực gây sức ép để giới chức Mỹ đoàn tụ các gia đình nhập cư bị chia tách tại biên giới Mỹ-Mexico, 17 bang của Mỹ, trong đó có Washington, New York và California, đã gửi đơn kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump lên Tòa án liên bang ở Seattle.

Trong một tuyên bố qua thư điện tử, Bộ trưởng Tư pháp bang New Jersey, ông Gurbir Grewal cho rằng, việc chính quyền Mỹ chia tách trẻ em khỏi gia đình là hành động tàn nhẫn.

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh những tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Trump bị chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền vì đã tách khoảng 2.300 trẻ khỏi cha mẹ tại khu vực biên giới với Mexico, trong một chiến lược nhằm ngăn chặn vấn đề nhập cư bất hợp pháp của Mỹ.

Trước sự phản đối của dư luận Mỹ cũng như quốc tế về chính sách di trú gây tranh cãi, ngày 21/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký sắc lệnh hủy bỏ quy định chia tách trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ với bố mẹ chúng ngay tại khu vực biên giới. Theo đó, tuy trẻ em trong những nhóm gia đình di cư vượt biên trái phép sẽ không bị chia tách khỏi cha mẹ nữa, song các gia đình này sẽ vẫn bị giam giữ trong thời gian chờ tòa xét xử và thời gian các cơ quan chức năng Mỹ xét duyệt đơn xin nhập cư.

Mexico bắt đầu tiến hành tổng tuyển cử

Ngày 1/7, cử tri Mexico đã đi bỏ phiếu để bầu chọn người kế nhiệm Tổng thống Enrique Peña Nieto trong nhiệm kỳ 2018-2024, cũng như 128 thượng nghị sỹ, 500 hạ nghị sỹ và hơn 2.800 vị trí lãnh đạo địa phương.

Viện bầu cử quốc gia Mexico (INE) thông báo 156.899 địa điểm bỏ phiếu đã được thiết lập, với 1,2 triệu công dân được tuyển chọn làm công tác nhận và kiểm phiếu tại điểm bỏ phiếu. Từ 8h sáng theo giờ địa phương (tức 20h cùng ngày theo giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu trên toàn Mexico chính thức mở cửa và sẽ đóng cửa vào 18h cùng ngày. Dự kiến, đến 8h sáng ngày 2/7 sẽ có kết quả kiểm phiếu sơ bộ của 82% số hòm phiếu.

Hơn 89 triệu cử tri Mexico đã được kêu gọi tham gia cuộc bầu cử này. Bầu cử tổng thống Mexico sẽ không có vòng 2 và ứng cử viên nào giành số phiếu ủng hộ cao hơn sẽ thắng cử.

Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy ứng cử viên cánh tả Andrés Manuel López Obrador, đứng đầu liên minh “Cùng nhau, chúng ta làm nên lịch sử” đang chiếm lợi thế với trên 50% cử tri ủng hộ. Trong khi đó, ông Ricardo Anaya, thuộc liên minh “Vì Mexico tiến lên” giành được 21% ủng hộ và ông Jose Antonio Meade Kuribreña, thuộc liên minh “Tất cả vì Mexico” ở vị trí thứ 3 với 20% ủng hộ.

Cuộc tổng tuyển cử Mexico diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia này đang trong tình trạng u ám. Nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến, tỷ lệ người nghèo có xu hướng tăng, tỷ lệ việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao. Trong khi đó, quan hệ giữa Mexico và Mỹ, quốc gia láng giềng đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất, lại đang trong tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử với một loạt vấn đề như: Thỏa thuận thương mại, người di cư, bức tường biên giới. Theo các chuyên gia, trong suốt quá trình vận động tranh cử vừa qua, chính sách đối ngoại không được coi là ưu tiên của các ứng cử viên. Do vậy, nhiều khả năng chính sách đối ngoại của Mexico sẽ không có nhiều thay đổi trong nhiệm kỳ tổng thống 2018-2024.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc

Ngày 26/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tới thăm Trung Quốc nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng an ninh giữa hai nước đang ngày một gia tăng. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Mattis trên cương vị người đứng đầu Quốc phòng Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã có cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa cũng như các quan chức cấp cao của nước chủ nhà nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh và hợp tác quân sự.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang leo thang, đẩy hai nước đến gần cuộc chiến thương mại, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết các cuộc hội đàm của ông trong chuyến thăm Trung Quốc lần này chỉ tập trung vào mối quan hệ quân sự và các cuộc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên. Ông cho biết sẽ tìm kiếm các lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích, trong đó có việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Cũng theo Bộ trưởng Mattis, chuyến thăm gần đây nhất của một bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Trung Quốc diễn ra 4 năm trước và quân đội hai nước cần tăng cường liên lạc. Ông cho rằng để giải quyết các vấn đề hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, hai bên cần tổ chức cuộc đối thoại chiến lược minh bạch về việc Trung Quốc nhìn nhận việc phát triển quan hệ với Mỹ như thế nào và ngược lại Mỹ nhìn nhận việc phát triển với Trung Quốc ra sao.

Bắc Kinh là chặng dừng chân đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trong chuyến công du Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản kéo dài 4 ngày.

Đánh bom liều chết ở Afghanistan khiến hơn chục người chết và bị thương

Ngày 25/6, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại tỉnh Kunar, miền Đông Afghanistan, khiến ít nhất 9 cảnh sát đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Theo người phát ngôn chính quyền địa phương, một phần tử khủng bố đã tìm cách đột nhập trụ sở Cảnh sát địa phương Afghanistan (ALP) ở khu vực Chawkay. Sau khi bị lực lượng an ninh phát hiện và chặn lại, đối tượng này đã kích hoạt khối thuốc nổ mang theo mình. ALP được chính phủ Afghanistan thành lập năm 2010 nhằm bảo vệ các ngôi làng và khu vực có ít sự hiện diện của quân đội và cảnh sát.

Chưa có tổ chức nào thừa nhận đứng sau vụ tấn công trên, song Kunar là tỉnh miền núi được coi là địa bàn của phiến quân Taliban và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan gây thương vong đã gia tăng kể từ đầu năm 2015 khi binh sĩ và cảnh sát Afghanistan tiếp quản việc đảm bảo an ninh từ lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tại Afghanistan sắp diễn ra vào tháng 10 tới, những vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan tiếp tục đặt ra những thách thức về an ninh cho chính quyền nước này./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới